0239 3856 760 | hatinh@gso.gov.vn

Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng Ba và quý I năm 2025 tỉnh Hà Tĩnh

02/04/2025 09:22

Năm 2025 là năm cuối thực hiện nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm và cả nhiệm kỳ. Những tháng đầu năm 2025, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới vẫn còn phức tạp, chiến tranh thương mại gia tăng, giá vàng, ngoại tệ và nhiên vật liệu biến động liên tục, ảnh hưởng đến đến tình hình trong nước. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ những tháng đầu năm, trong đó, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển.

Trong quý I năm 2025, do trùng các dịp nghỉ lễ dài ngày như Tết nguyên đán và Tết dương lịch dẫn tới nhu cầu và giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều có xu hướng tăng cao so với quý trước. Tình hình kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hoá, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh được các cấp chính quyền thực hiện triệt để. An ninh năng lượng được đảm bảo, lãi suất ở mức thấp và ổn định tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tiếp tục được giữ ổn định và đạt mức tăng trưởng khá.

I. LĨNH VỰC KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất trồng trọt trong quý I năm 2025 chủ yếu tập trung thu hoạch cây trồng vụ Đông 2024-2025 và tiến hành gieo trồng, chăm sóc cây vụ Xuân 2025. Hiện nay, các trà lúa Xuân đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, phát triển mạnh thân lá, các loại cây trồng khác sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, do thời tiết sương mù, độ ẩm cao xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại nên bà con nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, theo dõi và xử lý kịp thời sâu bệnh gây hại, cây ăn quả đang trong thời vụ ra hoa kết quả. Chăn nuôi trong quý chủ yếu tăng ở đàn lợn và gia cầm còn đàn trâu, bò số đầu con hiện đang giảm; Hoạt động lâm nghiệp và thủy sản diễn ra khá thuận lợi, đạt mức tăng trưởng ổn định trong tháng và cả quý I năm 2025.

1.1. Sản xuất nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

a. Cây hàng năm

Kết quả sản xuất vụ Đông 2024-2025: Tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh đạt 13.644 ha cây trồng các loại, bằng 99,74% (giảm 29 ha) so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu sản xuất vụ Đông là cây ngô, khoai và rau màu, cụ thể:

Cây ngô diện tích thu hoạch đạt 5.191 ha, bằng 103,95% (tăng 197 ha) so với cùng kỳ năm trước. Năng suất thu hoạch đạt 44,18 tạ/ha, bằng 103,13% (tăng 1,34 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng ngô đạt 22.933 tấn, bằng 107,19% (tăng 1.539 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Năm nay diện tích ngô tăng khá cộng với giữa vụ thời tiết tốt nên cây ngô phát triển, bắp to, hạt đều, ít bị sâu bệnh nên tăng cả về năng suất và sản lượng.

Cây lấy củ có chất bột diện tích đạt 1.198 ha, bằng 95,38% (giảm 58 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là diện tích khoai lang với 1.184 ha, bằng 95,67% (giảm 54 ha) so với cùng kỳ, chiếm 98,83% tổng diện tích cây lấy củ có chất bột. Nguyên nhân diện tích giảm chủ yếu là do một số xã chuyển từ một số đất trồng khoai không hiệu quả sang trồng ngô. Ngoài ra do đầu vụ thời tiết mưa nhiều đã gây khó khăn cho việc xuống giống. Năng suất thu hoạch đạt 66,54 tạ/ha, bằng 103,66% (tăng 2,35 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khoai lang đạt 7.879 tấn, bằng 99,18% (giảm 65 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Cây rau, đậu các loại diện tích thu hoạch đạt 4.936 ha, bằng 102,01% (tăng 97 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng chủ yếu ở rau cải các loại, rau lấy lá khác. Nguyên nhân diện tích tăng do hiện nay sản xuất vườn mẫu, vườn liền kề đang mang lại hiệu quả rõ rệt và đang được nhân dân đầu tư, mở rộng. Năng suất thu hoạch đạt 64,46 tạ/ha, bằng 101,99% (tăng 1,26 tạ/ha); với sản lượng rau đạt 31.819 tấn, bằng 104,04% (tăng 1.235 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất vụ Xuân 2025: Tính đến ngày 20/3/2025, diện tích gieo, cấy lúa toàn tỉnh là 59.153 ha/59.123 ha, đạt 100,05% kế hoạch, trong đó, diện tích gieo thẳng 56.343 ha, diện tích cấy 2.810 ha. Diện tích gieo trồng các cây trồng cạn khác 20.951/21.041 ha, đạt 99,57% kế hoạch, cụ thể: Lạc 6.029/6.456 ha, đạt 93,39% kế hoạch; ngô lấy hạt 7.075/6.816 ha, đạt 103,8% kế hoạch; khoai lang 1.625/1.621 ha, đạt 100,25% kế hoạch; đậu các loại 255/321 ha, đạt 79,44% kế hoạch; rau các loại 5.998/5.827 ha đạt 102,93% kế hoạch.

Hiện nay, các trà lúa Xuân đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, phát triển mạnh thân lá, các loại cây trồng khác sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, do thời tiết âm u, sương mù, độ ẩm cao nên xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại trên lúa vụ Xuân nên bà con nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, theo dõi và xử lý kịp thời sâu bệnh gây hại.

b. Cây lâu năm

Cây lâu năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cây ăn quả, cao su và chè. Sản lượng thu hoạch một số loại cây lâu năm trong quý I năm 2025 so với cùng kỳ năm trước như sau: Sản lượng chuối ước đạt 6.280 tấn, bằng 101,87%; sản lượng dứa ước đạt 114 tấn, tăng 8 tấn, bằng 107,55%; sản lượng cam ước đạt 8.055 tấn, bằng 101,23%; sản lượng chanh ước đạt 849 tấn, bằng 101,07%; sản lượng cao su ước đạt 722 tấn, bằng 107,76%; sản lượng chè búp ước đạt 3.265 tấn, bằng 101,08%...

Trong những năm qua, diện tích cây ăn quả phát triển mạnh, hiện nay quỹ đất để trồng cây ăn quả dần bị thu hẹp nên diện tích trồng mới cây lâu năm là không nhiều. Hiện nay cây ăn quả trong thời vụ ra hoa kết quả và đang được bà con nông dân tích cực chăm bón nên cây lâu năm phát triển ổn định.

c. Tình hình sâu bệnh, thiệt hại:

Trên cây lúa: Xuất hiện bệnh Đạo ôn lá trên các giống TBR225, P6, Thái Xuyên 111, VNR20, Khang dân 18, Bắc Thịnh..vv, tỉ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 7-15%, diện tích 50 ha, diện tích phòng trừ 120 ha. Nạn Ốc bươu vàng phát sinh gây hại trên những chân ruộng ngập nước, ruộng không bằng phẳng, mật độ trung bình 3-5 con/m2, cục bộ nơi cao 15 con/m2, diện tích nhiễm 55 ha. Chuột phá hoại tỷ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 5-7%, cục bộ 20% diện tích nhiễm 120 ha, các loại bệnh gây hại rải rác phân bố ở các địa phương.

Trên cây trồng cạn: Sâu keo mùa thu, sâu cắn lá gây hại trên các trà ngô mật độ 2-4 con/m2, diện tích nhiễm 45 ha; bệnh khô vằn, đốm lá diện tích nhiễm 15 ha; bệnh lỡ cổ rễ gây hại trên lạc tỉ lệ trung bình 1-2%, cục bộ 15-20%, diện tích 3 ha, Sâu xanh bướm trắng gây hại trên cây rau mật độ 2-5 con/m2, nơi cao 7-10con/m2, diện tích nhiễm 28 ha, phân bố ở một số địa phương trong tỉnh; Bệnh thối rễ phát sinh gây hại trên cây dứa ở huyện Cẩm Xuyên, tỉ lệ trung bình 1-3%, nơi cao 5-7%, diện tích nhiễm 8 ha.

Trên cây ăn quả có múi: Sâu vẽ bùa, sâu nhớt gây hại trên các lộc Xuân, tỉ lệ 3-5%, nơi cao 7-10%, diện tích 70 ha; sâu xanh bướm phượng diện tích nhiễm 20 ha; bệnh chảy gôm diện tích nhiễm 20 ha, sâu đục thân, đục cành 18ha phân bố tại Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê. Nhìn chung, trong tháng 3 và cả quý I/2025 tình hình sâu bệnh trên các loại cây có phát sinh nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

1.1.2. Chăn nuôi

Trong quý I năm 2025, người chăn nuôi đã cung ứng các sản phẩm chăn nuôi phục vụ dịp Tết nguyên đán, lượng cung các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dịp Tết vừa qua tương đối dồi dào, giá cả tăng nhẹ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân, không xẩy ra hiện tượng khan hàng và tăng giá mạnh thực phẩm chăn nuôi. Sau đó khi tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhu cầu thì hiện nay người chăn nuôi tiếp tục tái đàn.

Kết quả sản xuất: Đàn trâu hiện có 65.100 con, bằng 97,38%, sản lượng xuất chuồng quý I ước đạt 975 tấn, bằng 99,49%; đàn bò hiện có 161.000 con, bằng 98,08%, sản lượng xuất chuồng ước đạt 2.730 tấn, bằng 99,27%; đàn lợn (không bao gồm lợn con chưa tách mẹ) hiện có 349.508 con, bằng 100,53%, sản lượng xuất chuồng ước đạt 19.074 tấn, bằng 104,47%; đàn gia cầm hiện có 9.820 ngàn con, bằng 101,45%, sản lượng xuất chuồng ước đạt 8.251 tấn, bằng 103,02% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn và sản lượng xuất chuồng quý I tăng hơn so với cùng kỳ do trùng vào dịp Tết nguyên đán nên sản lượng xuất bán tăng cao bên cạnh đó hiện nay giá lợn hơi ở mức cao người dân có lãi nên đầu tư mở rộng sản xuất; đàn gia cầm cũng có xu hướng tăng, hiện nay chu kỳ nuôi gà được rút ngắn hơn (khoảng 125 ngày/lứa) so với trước đây 5-6 tháng/lứa, trọng lượng xuất chuồng cao hơn, một số mô hình nuôi gia công mới bắt đầu được thả với quy mô mỗi hộ lên đến hàng chục nghìn con.

Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Tình hình dịch bệnh trên đàn chăn nuôi đang diễn ra khá phức tạp. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, trong tháng 3/2025 đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại 13 xã thuộc 04 huyện, thành phố (Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh) làm 192 con lợn mắc bệnh chết, buộc tiêu hủy với khối lượng 8.777 kg. Từ đầu năm 2025 đến nay dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 19 xã thuộc 05 huyện (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Sơn, Hương Khê, thành phố Hà Tĩnh) làm 647 con lợn mắc bệnh chết, tiêu hủy với khối lượng 44.490,6 kg. Hiện nay dịch tại 09 xã thuộc 03 huyện, thành phố (Cẩm Xuyên, Hương Sơn, thành phố Hà Tĩnh) chưa qua 21 ngày.

1.2. Lâm nghiệp

Thời gian qua, điều kiện thời tiết khá thuận lợi cho việc trồng cây nên các chủ rừng đã tích cực triển khai thực hiện trồng rừng vụ Xuân Hè năm 2025. Diện tích rừng trồng mới tháng 3 và quý I năm 2025 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng tập trung tháng 3 ước đạt 464 ha, bằng 101,75% chung cả quý I ước đạt 1.297 ha, bằng 101,17%. Cùng với diện tích rừng trồng tăng thì sản lượng gỗ khai thác tháng 3 và quý I cũng tăng so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác tháng 3 ước đạt 70.811 m3, bằng 104,25% chung cả quý I ước đạt 111.931 m3, bằng 108,75% so với cùng kỳ năm trước.

Hưởng ứng phong trào “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” nhằm tăng độ che phủ, làm cho môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp, tạo cảnh quan môi sinh trên địa bàn cũng như góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị văn minh. Việc trồng cây xanh phân tán để tạo môi trường sống trong lành luôn được các địa phương quan tâm thực hiện. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán tháng 3 ước đạt 536 nghìn cây, bằng 101,13% chung cả quý I ước đạt 1.445 nghìn cây, bằng 101,47% so với cùng kỳ năm trước.

Thiệt hại về rừng: Công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2025, trên địa bàn Hà Tĩnh không xảy ra cháy rừng nhưng đã xảy ra 2 vụ phá rừng (giảm 9 vụ), với diện tích rừng bị phá là 0,69 ha (giảm 0,95 ha) so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Thủy sản

Sản xuất thủy sản: Tổng sản lượng thủy sản tháng 3 năm 2025 ước đạt 5.036 tấn, bằng 105,93% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 3.578 tấn, bằng 106,46%, sản lượng nuôi trồng ước đạt 1.458 tấn, bằng 104,67%. Quý I năm 2025, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 14.052 tấn, bằng 106,13% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 10.622 tấn, bằng 106,98%, sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.430 tấn, bằng 103,59%.

Thời tiết trong tháng Ba và quý I tương đối thuận lợi, nguồn lợi thủy hải sản dồi dào, giá nhiên liệu (xăng, dầu) giảm, giá cả tương đối ổn định nên khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Cùng với hoạt động khai thác biển thì trong tháng 3 là thời điểm các hộ nuôi tiến hành cải tạo ao, chuẩn bị lấy nước và thả giống. Vụ tôm xuân - hè 2025, toàn tỉnh Hà Tĩnh dự kiến sản xuất trên 2.250 ha tôm với hơn 800 triệu con giống. Ngành chuyên môn khuyến cáo các hộ nuôi cải tạo ao theo đúng kỹ thuật, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở ảnh hưởng đến quá trình nuôi và đồng thời phải xử lý nước đảm bảo các thông số môi trường cho phép trước khi thả giống.

Dịch bệnh và thiệt hại: Từ đầu năm đến nay chưa có dịch bệnh xảy ra đối với các sản phẩm thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh.

2. Sản xuất công nghiệp

Quý I năm năm 2025 sản xuất công nghiệp vẫn còn những khó khăn, thách thức khi nhà máy thép Formosa đang gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu thép ra thị trường trong và ngoài nước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong quý I năm 2025 ước giảm 4,68% so với cùng kỳ năm trước.

2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)

Ước tính tháng 3 năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 11,36% so với tháng trước và tăng 2,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 18,9% so với tháng trước và tăng 7,45% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 6,67% so với tháng trước và tăng 1,19% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện dự tính tăng 32,96% so với tháng trước và tăng 4,65% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xả lý rác thải dự ước tăng 3,47% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,6%. Thị trường ô tô điện tại Việt Nam năm 2025 đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ vào các chính sách hỗ trợ của chính phủ và sự tham gia của nhiều nhà sản xuất ô tô trong nước và quốc tế. Vì vậy ngành sản xuất Pack Pin có lợi thế tăng trưởng trong thời gian tới. Dự kiến sản lượng Pack pin trong tháng 3 đạt 3.000 pack, tăng 64,56% so với tháng trước và tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sản lượng Pack tăng mạnh, Cell là nguyên liệu đầu vào cũng đạt sản lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất Pin. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số sản xuất tháng 3 tăng mạnh so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, mặc dù nhóm ngành thiết bị điện tăng mạnh. Tuy nhiên ngành sản xuất kim loại giảm mạnh (giảm 10,44%) đã ảnh hưởng lớn đến chỉ số sản xuất chung toàn ngành công nghiệp.

Dự ước quý I năm 2025, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giảm 4,68% so với cùng kỳ năm 2024, cụ thể: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 43,03% đóng góp 0,39 điểm vào mức tăng chung toàn ngành; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,11% làm giảm 5,69 điểm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,84% đóng góp 0,49 điểm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,92% đóng góp 0,13 điểm vào mức tăng chung toàn ngành công

2.2. Một số sản phẩm chủ yếu

Trong số 20 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 12 nhóm sản phẩm cộng dồn quý I năm 2025 tăng so cùng kỳ năm trước và có 7 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Nhìn chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của nền kinh tế, với nhiều sản phẩm chủ lực tăng sản lượng so với cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm công nghiệp quý I năm 2025 có tốc độ tăng khá so với cùng kỳ năm trước có thể kể đến như: Đá xây dựng khác tăng 55,09%; sợi tăng 43,35%; chè tăng 38,6%; thức ăn gia súc tăng 20,13%; điện thương phẩm tăng 16,88%; ... Bên cạnh các sản phẩm tăng cũng có một số sản phẩm công nghiệp quý I năm 2025 giảm so với cùng kỳ năm trước như: Dịch vụ sản xuất dược phẩm giảm 5,8%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 17,53%; quặng inmenit và tinh quặng inmenit giảm 10,45%; Quặng zircon và tinh quặng zircon giảm 64,64%; ...

2.3. Chỉ số ngành công nghiệp

Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự tính tháng 3/2025 tăng 34,93% so với tháng trước, so với tháng 3/2024 tăng 1,08%. Tính đến hết tháng 3/2025, chỉ số tiêu thụ giảm 10,58% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường tiêu thụ thép giảm ảnh hưởng đến chỉ số tiêu thụ than cốc. Chỉ số tiêu thụ ngành sản xuất kim loại giảm 10,48%, than cốc giảm 34,19%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Hà Tĩnh đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các tỉnh khác và cả thị trường quốc tế. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dăm gỗ của Hà Tĩnh là một thách thức lớn. Hiện tại, phần lớn dăm gỗ xuất khẩu từ Hà Tĩnh chủ yếu ở dạng thô, thiếu chế biến sâu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Chỉ số tiêu thụ mặt hàng này 3 tháng đầu năm giảm 14,56%. Điều này tác động lớn đến chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Tĩnh.

Chỉ số tồn kho: Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 3/2025 tăng 38,6% so với tháng trước và tăng 20,11% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tăng mạnh do: Than cốc tăng 32,12%; sản xuất đồ uống tăng 5,71%. Thị trường tiêu thụ thép cả nội địa và xuất khẩu giảm sút, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn sản xuất nhiều hơn nhu cầu thực tế để duy trì hoạt động. Điều này dẫn đến hàng hóa không bán được, phải lưu kho chờ cơ hội tiêu thụ.

Tình hình sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 3/2025 tăng 0,78% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước tăng 3,2%. Khi các dự án, nhà máy mới đi vào hoạt động sản xuất đã góp phần tăng số lượng lao động trên địa bàn so với năm trước. Cộng dồn đến cuối tháng 3 năm 2025, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,34% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 2,68% so với năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, một số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo đi vào sản xuất kinh doanh cũng như mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vì vậy nguồn nhân lực tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,39%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,78% so với cùng kỳ năm 2023.

3. Tình hình hoạt động doanh nghiệp.

Những tháng đầu năm 2025, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh tăng so với cùng kỳ năm trước. Có hơn 450 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc gia nhập và tái gia nhập thị trường. Điều đó cho thấy nền kinh tế tỉnh nhà đang dần hồi phục sau những khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp hiện nay đang tập trung vào sản xuất kinh doanh với kỳ vọng một năm hoạt động hiệu quả, hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra.

3.1. Tình hình đăng ký kinh doanh

Tính từ đầu năm đến ngày 28/3/2025, toàn tỉnh thành lập mới 318 doanh nghiệp, tăng 5,65% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký chỉ đạt 893 tỷ đồng, giảm 53,50%; vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt 2,81 tỷ đồng, giảm 55,98% so cùng kỳ năm trước. Trong kỳ có 152 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 2,01% so với cùng kỳ).

Bên cạnh các doanh nghiệp thành lập mới, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng và giải thể, cụ thể: Có 362 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 13,13%); 62 doanh nghiệp giải thể (giảm 13,89%) so với cùng kỳ năm 2024. Hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ. Khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra thì doanh nghiệp mới cải thiện được khả năng trả nợ, tăng khả năng hấp thụ vốn.

3.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo

Kết quả khảo sát doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho biết, trong quý I/2025, hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 62% và 74%. Bên cạnh đó, “Khó khăn về tài chính” là khó khăn mà doanh nghiệp đánh giá với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 36%. Sản phẩm công nghiệp Hà Tĩnh chủ yếu đang phụ thuộc thị trường nội địa, do đó nhu cầu thị trường trong nước và tính cạnh tranh của hàng trong nước đang là hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng phát triển sản xuất kih doanh của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất, kinh doanh quý I/2025 giữ nguyên so quý IV/2024 với 52% doanh nghiệp đánh giá tốt giữ ổn định, 34% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn và 14% đánh giá tốt hơn. Dự báo quý II/2025 có 100% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định so quý I/2025 với 74% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và và 26% đánh giá giữ ổn định. Cùng với đó, 98% tỷ lệ đánh giá sản lượng sản xuất trong quý tiếp theo tăng lên hoặc giữ ổn định. 68% doanh nghiệp cho rằng xu hướng đơn đặt hàng tăng lên và 96% doanh nghiệp đánh giá chi phí và lao động tăng lên hoặc giữ nguyên.

Nhìn chung phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2024 và dự báo quý II/2024 tốt hơn so với quý trước. Điều này cho thấy tình hình sản xuất ngành công nghiệp đang có những chuyển biến tích cực và thuận lợi hơn

4. Thương mại, dịch vụ

4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ trong quý I năm 2025 hoạt động khá nhộn nhịp. Tổng mức bán lẻ vẫn là nhóm chiếm doanh thu lớn và tăng trưởng ổn định bên cạnh đó các nhóm ngành dịch vụ cũng có doanh thu cao hơn so với quý trước và tăng khá so với cùng kỳ năm trước do số lượng khách và giá cả các dịch vụ đều tăng nên doanh thu của các cơ sở này tăng mạnh. Đối với nhóm du lịch lữ hành, tăng chủ yếu là khách du lịch tâm linh, vãn cảnh đầu xuân. Bên cạnh đó, sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản với sự tăng trưởng gần 28% là lực kéo làm cho ngành dịch vụ tăng trong quý I năm 2025.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3 năm 2025, ước đạt 6.064,26 tỷ đồng, tăng 1,53% so với tháng trước và tăng 9,98% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thị trường bán lẻ trong tỉnh tăng khá đều và ổn định ở cả 3 tháng đầu năm. Tính chung cả quý I, doanh thu ước đạt 18.885,75 tỷ đồng, tăng 3,49% so với quý trước và tăng 9,71% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm hàng đều có doanh thu tăng trưởng khá, trong đó một số mặt hàng chiếm doanh thu lớn và tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 9.872,78 tỷ đồng, tăng 19,23%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 2.625.92 tỷ đồng, tăng 15,76%; hàng may mặc ước đạt 1.178,48 tỷ đồng, tăng 4,2%.... Bên cạnh các nhóm hàng tăng mạnh về doanh thu thì nhóm ô tô và phương tiện đi lại mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi từ các hãng xe và đơn vị kinh doanh, tuy nhiên doanh thu vẫn chưa phục hồi như những năm trước (doanh thu quý I nhóm ô tô dưới 9 chỗ ngồi giảm đến 40,38% so với cùng kỳ). Doanh thu nhóm gỗ, vật liệu xây dựng và xăng, dầu các loại cũng giảm khá sâu so với cùng kỳ (lần lượt giảm 14,66% và giảm 12,48%) chủ yếu do sự ảnh hưởng từ yếu tố giá cả khi biến động từ thị trưởng thế giới làm giảm giá các mặt hàng hàng này, bên cạnh đó việc các loại phương tiện sử dụng năng lượng điện đang thịnh hành cũng làm giảm doanh thu từ nhóm hàng nhiên liệu xăng, dầu.

Nhìn chung, trong quý do trùng thời điểm lễ Tết nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá của người dân tăng mạnh, mức tăng trưởng tập trung chủ yếu vào dịp trước, trong Tết. Thị trường giá cả hàng hóa mặt bằng giá cả nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm… nhưng nhìn chung mức giá cả vẫn biến động tăng hợp xu thế và vẫn trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát, chống gian lận thương mại, hàng giả, kiểm soát chặt chẽ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu đảm bảo nhu cầu hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, các dịch vụ công thông suốt để phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân và doanh nghiệp.

Dịch vụ l­ưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành: Doanh thu tháng 3 ước đạt 701,23 tỷ đồng, tăng 10% so với tháng trước, tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Dịch vụ lưu trú ước đạt 22,63 tỷ đồng, tăng 17,83% so với tháng trước, tăng 19,26% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 668,88 tỷ đồng, tăng 9,17% so với tháng trước, tăng 7,09% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành ước đạt 9,72 tỷ đồng, tăng 74,82% so với tháng trước và tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, tình hình thời tiết thuận lợi, các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống hoạt động ổn định hơn. Mặt khác, do là tháng trùng vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng. Bên cạnh đó, mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2025 với các hoạt động khai hội chùa Hương Tích, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông; các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh đón hàng ngàn lượt khách du xuân, tham quan.

Tính chung quý I năm 2025, doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 2.091,3 tỷ đồng, mặc dù giảm 8,19% so với quý trước, nhưng so cùng kỳ tăng 8,43% (Cụ thể: Doanh thu lưu trú ước đạt 59,09 tỷ đồng, tăng 16,08% so với quý trước và tăng 9,69% so với cùng kỳ; ăn uống ước đạt 2.013,44 tỷ đồng, giảm 9,16% so với quý trước nhưng tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành đạt 18,77 tỷ đồng, tăng 82,8% so với quý trước và tăng 15,59% so với cùng kỳ năm trước). Hoạt động dịch vụ, du lịch trong quý nhìn chung giữ được sự ổn định, doanh thu dù không đạt mức cao như quý trước nhưng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình vẫn là nhóm chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất và tăng trưởng ổn định ở cả 3 tháng trong quý, quyết định trực tiếp đến doanh thu khu vực dịch vụ này.

Dịp đầu năm người dân thường đi lễ hội đến các di tích, đền chùa đề cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình, lượng khách đăng ký các tour du lịch tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Dự tính những tháng tới, khi Hà Tĩnh bước vào cao điểm mùa nóng các hoạt động du lịch, lưu trú và ăn uống cũng vào mùa, đây là cơ hội để tỉnh nhà phát huy tiềm năng lợi thế với nhiều bãi biển đẹp và hải sản chất lượng. Ngoài ra, các khu du lịch sinh thái với cảnh đẹp thu hút khách quan cũng là hình thức du lịch mới phát triển khá nhiều trên địa bàn.

Dịch vụ khác: Doanh thu dịch vụ khác tháng 3 năm 2025 ước đạt 418,48 tỷ đồng, tăng 10,56% so với tháng trước và tăng 13,28% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả quý I, doanh thu ước đạt 1.214,5 tỷ đồng, tăng 3,56% so với quý trước và tăng 10,03% so với cùng kỳ năm trước. Với việc thị trường bất động sản trên địa bàn đang có dấu hiệu ấm dần lên từ đầu năm khiến doanh thu nhóm hàng này ước đạt 286,18 tỷ đồng, tăng đến 27,98%, ngoài ra các nhóm ngành hàng khác cũng tăng trưởng khá do nhu cầu làm đẹp, chăm sóc cá nhân chuẩn bị đón Tết của mọi người dân tăng nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ này hoạt động hết công suất, một số cơ sở phải thuê thêm thợ thời vụ. Dịch vụ làm ma két, cắt chữ, làm biển quảng cáo tăng hơn do nhu cầu làm market chào mừng năm mới, mừng thọ, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, chào mừng các ngày lễ trọng đại của quê hương, đất nước. Bên cạnh đó hoạt động cho thuê đồ dùng gia đình phục vụ cưới hỏi, ăn uống tất niên...diễn ra khá nhộn nhịp.

Mặc dù dịch vụ khác đang có sự tăng trưởng mạnh nhưng chủ yếu do kinh doanh bất động sản là lực kéo đưa doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ, nhưng đầy là yếu tố khá thời vụ, tạm thời và khó nắm bắt xu thế. Do đó yêu cầu đặt ra cần phải có những chính sách cụ thể, thiết thực để thúc đẩy dịch vụ phát triển trong những quý tiếp theo. Đặc biệt là những chính sách tài khoá, giảm lãi suất, giảm phí…để người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới. Những cải cách về thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

4.2. Hoạt động vận tải

Hoạt động kinh doanh vận tải trong tháng Ba và cả quý I năm 2025 hoạt động khá nhộn nhịp và tăng trưởng ổn định. Mặc dù trong tháng vận tải hành khách có xu hướng giảm sau Tết, nhưng vận tải hàng hóa và hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển tích cực nhờ sự tăng trưởng trong hoạt động xây dựng và điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Sự đầu tư vào hạ tầng và công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hoạt động dịch vụ kho bãi tỉnh Hà Tĩnh.

Kết quả vận tải, kho bãi trong tháng 3 năm 2025, doanh thu ước đạt 765,21 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng trước, tăng 13,59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 138,98 tỷ đồng, giảm 8,54% so với tháng trước nhưng tăng 17,49% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa ước đạt 482,59 tỷ đồng, tăng 7,61% so với tháng trước và tăng 19,46% so với cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 137,59 tỷ đồng, tăng 9,56% so với tháng trước nhưng giảm 6,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng do thời điểm sau dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân giảm đáng kể so với tháng trước, các đơn vị vận tải hành khách điều chỉnh giảm giá cước theo quy định, điều này đồng thời làm giảm doanh thu chung, doanh thu kho bãi, hỗ trợ vận tải cũng giảm so với cùng kỳ do giảm lượng hàng hóa thông qua cảng. Nhưng bên cạnh đó, doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa lại tăng trưởng mạnh do vận chuyển hàng hoá phục vụ thi công các dự án lớn trên địa bàn, cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi cũng như các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trở lại bình thường sau kỳ nghỉ, thúc đẩy vận chuyển hàng tiêu dùng, lương thực, nguyên liệu sản xuất.

Tính chung quý I năm 2025, doanh thu vận tải ước đạt 2.198,65 tỷ đồng, tăng 4,96% so với quý trước và tăng 14,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách dự tính đạt 435,16 tỷ đồng, tăng 24,28% so với quý trước và tăng 6,90% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa dự tính đạt 1.355,19 tỷ đồng, tăng 1,31% so với quý trước và tăng đến 24,70% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 389,59 tỷ đồng, giảm 5,78% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, dịch vụ vận tải đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, nhất là các thời điểm trước, trong và sau Tết. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa và nhu cầu đi lại đều tăng, đồng thời lượng khách du lịch tăng so với cùng kỳ năm trước đã góp phần làm gia tăng giá trị từ hoạt động vận tải, tạo đà cho nhóm ngành này phát triển ổn định. Thời tiết thuận lợi cho các công trình xây dựng lớn trên địa bàn tỉnh như dự án cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường giao thông và các dự án tại các khu công nghiệp tiếp tục thi công, qua đó tăng nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa cũng có nhiều tín hiệu tích cực tạo đà cho dịch vụ hỗ trợ vận tải, kho bãi.

5. Tài chính, ngân hàng

5.1. Hoạt động tài chính

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế, tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 31/3/2025 đạt 4.937,55 tỷ đồng. Chi ngân sách cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ đã bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển KT-XH, QP-AN của địa phương.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 31/3/2025 đạt 4.937,55 tỷ đồng, (giảm 7,95% so với cùng kỳ năm 2024). Trong đó: Thu nội địa ước đạt 3.014,73 tỷ đồng tăng 21,28% so với cùng kỳ năm trước. Một số sắc thuế thu đạt kết quả tăng cao so với năm trước như: Thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 1.285,38 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ; thu thuế, phí đạt 180,55 tỷ đồng tăng 16,16%; thuế thu nhập cá nhân đạt 177,36 tỷ đồng, tăng 37,98% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, ngược lại với thu nội địa tăng cao thì tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I năm 2025 chỉ đạt 1.724,83 tỷ đồng, giảm 32,06% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng từ hoạt động xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh giảm mạnh do gặp khó khăn trong việc sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm thép trên thị trường trong và ngoài nước. Đã tác động không nhỏ đến tổng thu hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2025.

Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 31/3/2025 đạt 7.584,19 tỷ đồng, tăng 5,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu nguồn chi thì chi đầu tư phát triển đạt 3.671,70 tỷ đồng (chiếm 48,41%) giảm 7,58% so với cùng kỳ năm trước. Chi thường xuyên đạt 3.912,01 tỷ đồng (chiếm 51,58%) tăng 21,54% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, hoạt động chi ngân sách ưu tiên cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cấp bách gắn với việc thực hiện các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

5.2. Hoạt động ngân hàng

Công tác huy động vốn trên địa bàn tỉnh quý I năm 2025 tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh đã chủ động triển khai nhiều chính sách hiệu quả, nguồn vốn huy động trên địa bàn có sự tăng trưởng khá tốt, ước tăng 3,5% so với cuối năm 2024. Bên cạnh đó, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ngày càng cao khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh những tháng đầu năm tăng khá, so với cuối năm 2024, dư nợ cho vay tăng 1,91%.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh ước đến thời điểm 31/3/2025, đạt 112.420 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2024. Trong đó, nguồn vốn huy động trung, dài hạn đạt 11.189 tỷ đồng, tăng 2,74; nguồn vốn ngắn hạn đạt 101.231 tỷ đồng, tăng 3,59% so với cuối năm 2024. Với việc triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác huy động vốn như triển khai các chương trình huy động tiết kiệm dự thưởng, trong ba tháng đầu năm, nguồn tiền gửi tiết kiệm trên địa bàn đạt mức tăng trưởng tốt.

Dư nợ cho vay ước đến 31/3/2025 đạt 111.000 tỷ đồng, tăng 1,91% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 85.368 tỷ đồng, tăng 1,10%; dư nợ trung dài hạn đạt 25.632 tỷ đồng, tăng 4,68% so với thời điểm cuối năm 2024. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện các biện pháp giảm lãi suất, triển khai các chính sách ưu đãi của Chính phủ và của UBND tỉnh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn và phục hồi phát triển kinh tế nên dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt mức tăng khá so với cuối năm 2024

6. Đầu tư và xây dựng

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I năm 2025 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (tăng 12,77%) chủ yếu nhờ giải ngân cao từ khu vực kinh tế nhà nước và khu vực của dân cư và tư nhân. Trong đó, một số dự án đóng góp vốn đầu tư đáng kể như cao tốc Bắc Nam, bên cạnh đó các dự án khác cũng đang được triển khai như dự án tổng khó xăng dâu Giang Nam; khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ…

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh quý I năm 2025 dự ước đạt 12.222,31 tỷ đồng, giảm 26,44% so với quý trước, tăng 12,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.596,51 tỷ đồng, giảm 68,77% so với tháng trước và giảm 13,01% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do quý I năm nay dự án cao tốc Bắc Nam đang ở giai đoạn hoàn thành nên nguồn vốn thực hiện giảm hơn so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Vốn ngoài nhà nước ước đạt 6.235,48 tỷ đồng, tăng 41,45% so với quý trước và tăng 100,65% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do quý I dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô điện của Công ty cổ phần khu công nghiệp Vinhomes Hà Tĩnh mới được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 6.595 tỷ đồng, trong quý đã thực hiện đầu tư san lấp mặt bằng với tổng số vốn thực hiện đạt 2.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó các dự án khác cũng đang được triển khai như dự án tổng khó xăng dâu Giang Nam; khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ… Vốn đầu tư của hộ dân cư cũng tăng mạnh (tăng 18,68%) khi lãi suất các ngân hàng ở mức thấp nên người dân vay vốn để xây dựng, sửa sang lại nhà cửa.

Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ước đạt 3.390,32 tỷ đồng, giảm 12,87% so với quý trước và giảm 28,56% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực này nguồn vốn đầu tư giảm mạnh do các dự án lớn như nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II đến giai đoạn hoàn thành nên tổng vốn đầu tư đạt thấp, dự án Pin Lithium đã hoàn thành đi vào sản xuất.

Một số công trình dự án có tổng vốn đầu tư lớn được triển khai như: Dự án khu vinhome Vũng Áng tổng mức đầu tư 13.000 tỷ đồng dự kiến triển khai từ đầu năm 2025; dự án Khu đô thị Mipec tổng mức đầu tư 1.958 tỷ đồng, đang triển khai giải phóng mặt bằng và bắt đầu xây dựng trong quý IV; dự án khu công nghiệp Gia Lách mở rộng tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất ô tô điện đã được khởi công trong tháng 12/2024 với tổng vốn đầu tư 6.595 tỷ đồng; dự án Trang trại phong điện HBRE tổng mức đầu tư 4.687 tỷ đồng dự kiến khởi công trong năm 2025; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà đã triển khai giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện tổng vốn đầu tư thời gian tới.

7. Xuất nhập khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng 3 năm 2025 ghi nhận những tín hiệu tích cực và có dấu hiệu khởi sắc hơn khi tăng khá so các tháng trước, nhưng dù vậy vẫn chưa đạt mức kỳ vọng so với cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2025 tổng trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 1.075,02 triệu USD giảm đến 33,75% so với cùng kỳ. Cụ thể trị giá nhập khẩu giảm 31,41% và giá trị xuất khẩu giảm đến 37,7%.

Trị giá xuất khẩu tháng 3 năm 2025 ước đạt 138,5 triệu USD, tăng 22,39% so với tháng trước nhưng giảm đến 24,48% so với cùng tháng năm trước. Tính chung cả quý I năm 2025, trị giá xuất khẩu ước đạt 376,44 triệu USD, đạt khoảng 16% so với kế hoạch năm và giảm 37,7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh (đóng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh) giảm 50% lượng thép xuất khẩu. Cụ thể, quý I năm 2025, trị xuất khẩu thép và phôi thép của Hà Tĩnh đạt 286,84 triệu USD (giảm 47,08% so với cùng kỳ năm 2024). Mặc dù trị giá xuất khẩu nhiều mặt hàng ngoài thép vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2024 như: Chè đạt 1,2 triệu USD (tăng 25%), dăm gỗ đạt 18,79 triệu USD (tăng 27,3%), hàng dệt may mặc đạt 8,73 triệu USD (tăng 50%), xơ sợi dệt đạt 2,84 triệu USD (tăng 124,42%)… nhưng do giá trị xuất khẩu chưa cao, sức ảnh hưởng chưa lớn đến tăng trưởng chung.

Dự báo trong các quý tới các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của tỉnh như thép các loại, phôi thép tiếp tục gặp khó khăn do biến động thị trường thế giới. Vì vậy, để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất khẩu, Hội đồng nahan dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: Hỗ trợ phương tiện vận tải biển bằng container qua cảng Vũng Áng; hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, các đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát tìm hiểu thị trường xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng gian hàng hóa để quảng bá, xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử.

Trị giá nhập khẩu tháng 3 năm 2025 ước đạt 230,5 triệu USD, tăng 14,91% so với tháng trước nhưng giảm đến 38,78% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả quý I, trị giá nhập khẩu ước đạt 698,58 triệu USD, giảm 31,41% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do Formosa giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất (chỉ tính riêng nhập khẩu từ Formosa ước đạt 7528,8 triệu USD giảm 29,64% so với cùng kỳ năm trước). Có thể thấy rõ kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh chịu tác động trực tiếp từ hoạt động xuất, nhập khẩu từ công ty Formosa, mặc dù đã có cách chính sách đa dạng hóa các mặt hàng và có sự tăng trưởng khá ở các nhóm hàng như chè, dệt và may mặc... tuy nhiên việc thị trường còn nhiều khó khăn khiến trị giá xuất nhập khẩu chưa có biến động nhiều. Thời gian tới, với việc tiếp tục triển khai đồng bộ các nghị quyết của tỉnh về hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp hấp thu các chính sách tốt hơn; tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

8. Giá cả, lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng chung tháng Ba năm 2025 có giảm nhẹ so với tháng trước nhưng so cùng tháng năm trước vẫn tăng ở mức 4,66%. Tính chung quý I năm 2025 thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh chịu tác động mạnh bởi dịp trước và trong Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, kéo theo giá cả hàng hóa và dịch vụ leo thang, ngay sau kỳ nghỉ lễ, giá cả có xu hướng giảm mạnh, nhưng nhìn chung mặt bằng giá bình quân quý vẫn cao hơn cả so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 3 năm 2025, chỉ số CPI chung giảm 0,52% so với tháng trước và tăng 4,66% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước chỉ số các nhóm hàng hoá biến động không lớn, các nhóm hàng đều có dấu hiệu hạ nhiệt hơn, chỉ tăng nhẹ ở nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống và hàng hoá khác. Nhưng so với cùng kỳ thì mặt bằng giá cả vẫn đang ở mức tăng giá khá cao.

Diến biến nhóm hàng thiết yếu với nhiều mặt hàng đóng góp trong chỉ số giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,03% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 4,27%, nguyên nhân chủ yếu do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua giảm giá mạnh đã tác động đến giá lúa, gạo các loại trong nước giảm sâu. Bên cạnh đó giá các loại thịt hơi vẫn đang tăng mạnh trong thời gian qua do ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bệnh và nguồn cung giảm sút.

Ngoài ra các nhóm hàng khác trong tháng 3 cũng đang ở mức cao và tăng so với cùng kỳ năm trước, chỉ duy nhất nhóm hàng giao thông có chỉ số giảm 5,58% so với cùng kỳ do giá xăng dầu bình quân trong tháng trên địa bàn cả nước giảm sau các kỳ điều chỉnh giá bán lẻ vừa qua. Bên cạnh đó, giá vé cước vận tải hành khách đường hàng không và đường sắt cũng được điều chỉnh giảm giá sau tháng Tết. Thị trường giá vàng và ngoại tệ trong tháng bình quân tăng mạnh theo xu hướng của thị trường thế giới. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 9.265 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la Mỹ bình quân 2.689,7 nghìn đồng/100 USD.

Tính cả quý I năm 2025, CPI bình quân tăng 5,43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực thành thị tăng 8,01%, nông thôn tăng 4,33%. Phân theo nhóm ngành hàng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,7%; đồ uống và thuốc lá tăng 6,18%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,08%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 17,31%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,8%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 12,47%; giao thông giảm 4,32%; bưu chính viễn thông tăng 0,21%; giáo dục tăng 1,44%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 2,67%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, thị trường tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ quý I năm 2025 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Do dịp Tết Nguyên đán rơi vào thời điểm giữa quý, các nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hàng may mặc, hoa, giao thông, đồ uống, thuốc lá tăng mạnh so với quý trước. Một số mặt hàng thiết yếu như dịch vụ y tế, điện sinh hoạt và nhiên liệu chịu sự điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đảm bảo ổn định giá cả và tránh tình trạng biến động quá mức. Bên cạnh đó, an ninh năng lượng được duy trì ổn định, góp phần đảm bảo nguồn cung điện và nhiên liệu cho sinh hoạt và sản xuất. Môi trường kinh doanh cũng được hỗ trợ đáng kể nhờ lãi suất duy trì ở mức thấp và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến CPI tháng 4/2025 sẽ tăng hơn tháng Ba nhất là các mặt hàng thực phẩm thủy sản biển, khách sạn, nhà nghỉ, điện lạnh, điên tiêu dùng và nước sinh hoạt do là tháng chuyển vào mùa nắng nóng cũng là mùa du lịch biển nên nhu cầu hải sản và các loại dịch vụ du lịch tăng. Cùng với đó khi thời tiết chuyển mùa nắng nóng nhu cầu mua sắm đồ dùng điện lạnh, quạt điện và điện nước tiêu thụ đều tăng. Qua đó, cần có những giải pháp trong việc điều tiết nguồn cung và các biện pháp kiểm soát giá, nhất là các dịch vụ liên quan đến hoạt động du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định thị trường.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động việc làm

Tình hình về lao động và giải quyết việc làm quý I năm 2025 trên địa bàn Hà Tĩnh có phần khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng khá lớn. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của tỉnh có giảm so với quý trước, nhưng vẫn còn khá cao. Vì vậy, thời gian tới các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung các giải pháp giải quyết việc làm như tăng cường tổ chức phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối cung-cầu lao động; gửi thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đến các địa phương để thông tin rộng rãi tới người dân.

Tình hình giải quyết việc làm: Số người được giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động quý I năm 2025 là 5.722 người, tăng 10,46% so với quý trước và tăng 11,56% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 2.671 người, chiếm 46,68% trong tổng số, tăng 0,58% so với quý trước; lao động đi làm việc ngoại tỉnh 1.217 người, chiếm 21,27%, tăng 87,71%; xuất khẩu lao động 1.834 người, chiếm 32,05%, giảm 46,45%. Tất cả điều đó đã góp phần làm cho tình hình về lao động, việc làm quý I/2025 ở Hà Tĩnh được ổn định và khởi sắc.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Hà Tĩnh, quý I năm 2025 ước đạt 510.610 người, tăng 0,6% so với quý trước và tăng 1,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lực lượng lao động là nam giới chiếm tỷ trọng 50,18%, cao hơn 0,36 điểm phần trăm so với nữ giới (nữ chiếm 49,82%); lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị chỉ chiếm 25,27%, chủ yếu vẫn đang tập trung ở khu vực nông thôn chiếm đến 74,73%.

Lao động có việc làm: Tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm ở Hà Tĩnh ước tính quý I năm 2025 là 496.163 người, chiếm 97,17% trong tổng số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên; tăng 0,8% so với quý trước và tăng 0,04% so với cùng kỳ năm 2024. Trong tổng số, lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 126.101 người, chiếm 25,42% trong tổng số; lao động có việc làm ở nam giới là 247.422 người, chiếm 49,87%.

Khi phân lao động đang làm việc theo ngành kinh tế ta thấy cơ cấu lao động ở Hà Tĩnh tiếp tục chuyển theo chiều hướng tích cực: Quý I/2025, lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng là 29,36% (tương ứng 145.670 người), giảm 0,14 điểm phần trăm so với quý trước; công nghiệp - xây dựng chiếm 29,87% (tương ứng 148.202 người), tăng 0,05 điểm phần trăm; dịch vụ chiếm 40,77% (tương ứng 202.291 người), tăng 0,09 điểm phần trăm.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm: Tính cả quý I năm 2025 dân số lao động không có việc làm (thất nghiệp) là 14.447 người, chiếm 2,83% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên, tăng 1,19 điểm phần trăm so quý trước và tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; có đến 79,84% lao động thất nghiệp cư trú ở nông thôn (tương đương 11.534 người), còn nam giới chiếm 60,93% (tương đương 8.802 người). Xét riêng trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp quý I năm 2025 ước tính là 4,32%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,16 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ước tính quý I năm 2025 là 2,5%, giảm 0,01 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình nhận trợ cấp thất nghiệp: Đã giải quyết kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm góp phần tích cực hỗ trợ người lao động trong thời gian mất việc, giúp họ ổn định cuộc sống. Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp phát sinh mới trong quý I/2025 là 664 người, giảm 345 người so với quý trước; tính đến tháng 3 năm 2025 có 1.670 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, so với thời điểm tháng 12/2024 giảm 1.441 người.

2. Đời sống dân cư và đảm bảo an sinh xã hội

Quý I năm 2025 là thời gian trùng với dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, thị trường tiêu dùng hàng hóa cơ bản ổn định. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, song sức mua có phần sụt giảm, kém sôi động hơn những dịp Tết trước, nhưng nhìn chung, tình hình đời sống dân cư trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua vẫn ổn định. Việc sắp xếp đơn vị hành chính và bộ máy chính quyền vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hàng trăm cán bộ, công chức ở các địa phương, sở, ngành trên địa bàn đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, tạo thuận lợi trong sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được triển khai kịp thời, các cấp, các ngành đã làm tốt công tác huy động nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối với các gia đình người có công với các mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ cho người có công và thân nhân của người có công với cách mạng, quý I năm 2025, toàn tỉnh chi trả trợ cấp hàng tháng và hỗ trợ đột xuất cho đối tượng người có công với tổng số tiền là 260,1 tỷ đồng. Trong đó, dịp Tết nguyên đán đã trao tặng 100.209 suất quà trị giá 29,36 tỷ đồng.

Hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại các chương 2, 3, 4 và 5 của Nghị định 20/2021/NĐ-CP, quý I năm 2025, Hà Tĩnh đã chi trả trợ cấp hàng tháng và hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền là 181,74 tỷ đồng. Trong đó, dịp tết Nguyên đán đã trao tặng khoảng 79.713 suất quà, trị giá 31,8 tỷ đồng.

Hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội không trùng với các đối tượng tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, quý I năm 2025, toàn tỉnh đã chi trả trợ cấp hàng tháng và hỗ trợ đột xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác với tổng số tiền là 42,5 tỷ đồng. Trong đó, dịp tết Nguyên đán trao tặng khoảng 72.893 suất quà, trị giá 39,6 tỷ đồng.

Tình hình cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế tại địa phương: Quý I năm 2025, Hà Tĩnh đã cấp phát miễn phí khoảng 393.531 thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí. Trong đó, cấp 11.444 thẻ bảo hiểm cho hộ nghèo; 25.779 thẻ cho hộ cận nghèo; 141.716 thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi; 42.515 thẻ cho người có công và 172.077 thẻ cho các đối tượng khác.

Hỗ trợ khác:

Quý I năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ 349,7 triệu đồng mua 23,3 tấn gạo cho các hộ dân tộc Chứt thuộc huyện Hương Khê; các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Cẩm Xuyên và Đức Thọ. Phát hơn 600 suất cháo, trị giá 15 triệu đồng đến tay bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại các trung tâm y tế.

3. Giáo dục đào tạo

Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Với chủ đề năm học 2024 - 2025 được xác định là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”.

Trong tháng 3 năm 2025 trên địa bàn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi tỉnh cho học sinh THPT khối 10 và 11. Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 10 diễn ra vào ngày 3/3, toàn tỉnh có 1.412 thí sinh tham gia dự thi ở 11 bộ môn gồm: Toán, ngữ văn, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, lịch sử, địa lý. Trong số đó, có 961 em đạt giải, gồm: 71 giải nhất, 215 giải nhì, 318 giải ba và 357 giải khuyến khích. Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 11 diễn ra vào ngày 17/3, toàn tỉnh có 1.195 thí sinh tham gia dự thi ở 10 môn gồm: Toán, vật lý, hoá học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp. Trong số đó, có 831 thí sinh đạt giải gồm: 46 giải nhất, 203 giải nhì, 267 giải ba và 315 giải khuyến khích. Ngoài số thí sinh tham gia dự thi đạt giải, năm nay, còn có 44 học sinh lớp 10 và 224 học sinh lớp 11 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh môn Ngoại ngữ.

4. Hoạt động Văn hóa - Thể thao

Hoạt động văn hóa: Trong quý I năm 2025 Hà Tĩnh đã Chỉ đạo các địa phương triển khai công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, góp phần tuyên truyền các sự kiện chính trị, văn hóa, các ngày lễ kỷ niệm của quê hương, đất nước, đặc biệt là tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 95 Ngày năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng Xuân Ất Tỵ; tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW,...

Hoạt động thể thao: Về thể thao thành tích cao, tính chung quý I năm 2025 đoàn thể thao Hà Tĩnh đã tham gia 7 giải thi đấu với thành tích khá cao như tại giải Giải vô địch quốc gia Karate khu vực miền Trung, Tây Nguyên xếp thứ nhì toàn đoàn, Giải Đua thuyền Rowing vô địch các tay chèo xuất sắc xếp thứ 3 toàn đoàn. Với thành tích đạt được 38 huy chương các loại, trong đó có 17 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 16 huy chương đồng.

Ngoài ra, những năm qua, phong trào thể dục thể thao nâng cao sức khỏe luôn được được lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, các giải đấu thể thao và hoạt động thể thao quần chúng thường xuyên được tổ chức trên địa bàn, với các hoạt động cụ thể trong tháng 3 và quý I năm 2025 như: Sáng 22/3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Giải Việt dã trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hà Tĩnh năm 2025; giải bóng chuyền nam thanh niên mở rộng thị xã Kỳ Anh năm 2025 tổ chức ngày 17/3; giải chạy Thiên Cầm Half Marathon 2025 tổ chức ngày 16/3; giải Pickleball cán bộ đoàn UBND tỉnh Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2025.

5. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng xuất hiện đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng đầu tiên trong năm đã ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống, sức khỏe của người dân, đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ. Đây cũng là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc, nên cơ quan chức năng khuyến cáo người dân dân nên có kế hoạch sinh hoạt, làm việc hợp lý; áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe để đề phòng sốc nhiệt. Chủ động lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh nguy cơ gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong những năm qua, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phòng, chống HIV/AIDS có sự thay đổi tích cực, có nhiều chuyển biến; sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS giảm rõ rệt; các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi và hiệu quả. Các ca nhiễm HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm.

Trong tháng không xuất hiện ca nhiễm mới, tính chung cả quý I/2025 phát hiện 2 ca nhiễm mới HIV/AIDS, không có ca nào chuyển sang AIDS và chết vì AIDS (giảm 10 ca nhiễm mới HIV/AIDS, giảm 8 ca chuyển sang AIDS và giảm 3 ca chết vì AIDS so với cùng kỳ năm trước).

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Quý I năm 2025 là thời gian trùng vào dịp Tết nguyên đán và các lễ hội mùa xuân, nhu cầu sử dụng thực phẩm vì thế tăng cao. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng.

Trong tháng, không có vụ ngộ độc tập thể nào xảy ra, chỉ có 60 ca ngộ độc đơn lẻ và không có người chết vì ngộ độc. Tính chung cả quý I năm 2025, xảy ra 01 vụ ngộ độc tập thể, làm 4 người bị ngộ độc (tăng 01 vụ, tăng 4 người bị ngộ độc tập thể so với cùng kỳ năm trước), có 161 người bị ngộ độc đơn lẻ, các ca bệnh đèu được phát hiện và chữa trị kịp thời không có người chết vì ngộ độc.

Tình hình dịch bệnh khác: Tháng Ba đang là thời điểm giao mùa và là cao điểm của dịch thuỷ đậu, quai bị người dân cần đảm bảo vệ sinh nên mọi người cần chú ý giữ gìn vệ sinh, sức khỏe cho bản thân chủ động tiêm phòng vắc xin chống viruts của 2 bệnh trên, tránh tiếp xúc với người bệnh và môi trường nhiễm bệnh. Ngoài ra, trên địa bàn cũng xuất hiện các ca bệnh lý như lỵ, viêm gan, tiêu chảy, cúm… nhưng tính chung tháng Ba và quý I đầu năm 2025 các dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện các chùm ca bệnh, ổ dịch lớn trong cộng đồng. Các ca bệnh đều được phát hiện và điều trị kịp thời, không có người chết do các bệnh trên.

6. Tai nạn giao thông

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho Nhân dân vui đón Tết và triển khai thực hiện Nghị định 168 của Chính phủ, tại nhiều tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động lắp đặt biển tuyên truyền về mức xử phạt với lỗi vi phạm vượt đèn đỏ và lỗi đi ngược chiều tại các vị trí dễ quán sát để nâng cao ý thức chấp hành cho người dân.

Trong tháng Ba (tính từ 15/02/2025 - 14/03/2025) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 27 vụ tai nạn đường bộ, làm 19 người chết, 17 người bị thương (tăng 2 vụ; tăng 5 người chết, tăng 5 người bị thương so với tháng trước); 01 vụ tai nạn đường sắt, không làm thiệt hại về người (tăng 01 vụ so với tháng trước). Giá trị thiệt hại ước tính khoản 1.687 triệu đồng. Tính chung cả quý I năm 2025, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 89 vụ tai nạn đường bộ, làm 62 người chết, 41 người bị thương (giảm 29 vụ, tăng 9 người chết, giảm 53 người bị thương so với cùng kỳ năm trước); 01 vụ tai nạn đường sắt, không làm thiệt hại về người (giảm 2 vụ, giảm 01 người chết, giảm 01 người bị thương so với cùng kỳ năm trước).

7. Bảo vệ môi trường

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương đấy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân trong việc phát triển kinh tế phải gắn với công tác bảo vệ môi trường, cộng với việc tăng cường công an về cấp xã nên việc nắm bắt tình hình trên địa bàn sát sao hơn do vậy công tác rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật cũng như giám sát chặt chẽ hơn công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở kinh doanh, thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý và xây dựng công trình xử lý chất thải đạt chuẩn. Vì vậy các cơ sở kinh doanh cũng dần có ý thức hơn trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất kinh doanh.

Trong tháng, đã phát hiện 4 vụ vi phạm môi trường và đã xử lý 7 vụ, với tổng số tiền xử phạt 221,35 triệu đồng; giảm 45 vụ phát hiện (giảm 91,84%), giảm 61 vụ đã xử lý (giảm 89,70%), tăng 123,73 triệu đồng (tăng 126,75%) số tiền xử phạt so với tháng trước; và giảm 9 vụ phát hiện (giảm 69,23%), giảm 14 vụ đã xử lý (giảm 66,67%), tăng 172,70 triệu đồng (tăng 354,98%) số tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước; So với cộng dồn cùng kỳ năm trước giảm 18 vụ phát hiện (giảm 11,61%), giảm 19 vụ đã xử lý (giảm 13,29%), tăng 353,96 triệu đồng (tăng 156,34%). Tính chung cả quý I năm 2025, toàn tỉnh đã phát hiện 137 vụ vi phạm môi trường, giảm 18 vụ (giảm 211,61%) và đã xử phạt 124 vụ, giảm 19 vụ (giảm 13,29%) với tổng số tiền xử phạt 580,37 triệu đồng; tăng 156,34% so với cùng kỳ quý năm trước.

8. Tình hình bất thường về thiên tai và hỏa hoạn

Tình hình cháy: Trong tháng Ba trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ cháy, không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản ước tính 87,5 triệu đồng, giảm 01 vụ cháy so với tháng trước và giảm 4 vụ cháy so với cùng kỳ. Thiệt hại về người không thay đổi cả so với tháng trước cũng như cùng kỳ năm trước. Tính chung cả quý I năm 2025, đã xảy ra 12 vụ cháy, giá trị thiệt hại ước tính 221,25 triệu đồng, giảm 5 vụ, không làm thiệt hại về người như cùng kỳ năm trước.

Tình hình vụ nổ và bất thường về thiên tai: Trong tháng Ba cũng như cả quý I năm 2025 không xảy ra, so với kỳ trước cũng như cùng kỳ không thay đổi.

III. DỰ BÁO, ĐẾ XUẤT GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Mặc dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động, diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế trong nước dự báo còn chịu sức ép lạm phát, tỷ giá; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất. Cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, khai thác dư địa trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 và Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra, thời gian tới cần tập trung giải quyết một số nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vũng cho giai đoạn tới. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn, dự theo định hướng quy hoạch tỉnh, đặc biệt là các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược đã ký cam kết.

Hai là, duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, chủ động bám sát diễn biến thời tiết, phòng chống thiên tai, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu bò; tập trung triển khai đề án, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với tập trung tích tụ ruộng đất.

Ba là, khai thác hiệu quả khu vực dịch vụ, du lịch. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics. Chủ động dự báo tình hình thị trường, theo dõi sát cung - cầu hàng hóa trên địa bàn. Tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh có điều kiện. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; tăng cường xúc tiến du lịch, liên kết vùng, chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Hướng dẫn nhà đầu tư tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục, sớm triển khai các dự án du lịch, dịch vụ, ven biển.

Bốn là, tăng cường quản lý, điều hành, sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng để phục vụ phát triển kinh tế. Tăng cường công tác hậu kiểm, chống thất thu, thu hồi nợ thuế. Tiếp tục quán triệt nguyên tắc quản lý, điều hành chi ngân sách đảm bảo dự toán giao đầu năm, đúng chế độ quy định; ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng Ba và quý I năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.