Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2025 tỉnh Hà Tĩnh
BÁO CÁO
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh tháng 01 năm 2025
I. LĨNH VỰC KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Sản xuất nông nghiệp
a. Trồng trọt
Sản xuất nông nghiệp tháng 01 năm 2025 diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, thời điểm này bà con nông dân chủ yếu chăm sóc cây vụ Đông và tranh thủ thời tiết thuận lợi để làm đất, gieo cấy lúa và cây vụ Xuân năm 2025. Ngành Nông nghiệp và chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân bám sát lịch thời vụ, tuân thủ quy trình sản xuất, gấp rút đẩy nhanh tốc độ xuống giống. Nhờ vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 90% diện tích lúa vụ Xuân được gieo cấy và các cây trồng cạn cũng đang gấp rút xuống giống đảm bảo đúng tiến độ.
Sản xuất vụ Xuân năm 2025: Với mục tiêu phấn đấu diện tích gieo cấy lúa đạt 59.097 ha, năng suất đạt trên 60 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt 35 vạn tấn; diện tích ngô đạt 6.799 ha, năng suất đạt trên 54,69 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt trên 37 nghìn tấn; diện tích khoai lang 1.642 ha, năng suất đạt trên 83,41 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt trên 13,7 nghìn tấn; diện tích lạc 6.452 ha, năng suất dự kiến đạt trên 27,08 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt 17 nghìn tấn; diện tích đậu 340 ha, năng suất đạt trên 9,8 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt 334 tấn; diện tích rau 5.877 ha, năng suất đạt khoảng 73,93 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt trên 43 nghìn tấn.
Tính đến ngày 20/01/2025, tiến độ gieo cấy lúa vụ Xuân đạt 53.060 ha, đạt 89,8% kế hoạch, trong đó diện tích gieo thẳng là 51.594 ha, diện tích cấy đạt 1.466 ha. Diện tích gieo trồng một số cây trồng cạn khác: Cây lạc 1.177 ha, đạt 18,2%; cây ngô 2.785 ha, đạt 40,9%; cây khoai lang 133 ha, đạt 8,2%; cây rau các loại 959 ha, đạt 16,5% kế hoạch.
Tình hình sâu bệnh, thiệt hại: Trên cây lúa, ốc bươu vàng phát sinh gây hại trên những chân ruộng ngập nước, ruộng không bằng phẳng, mật độ trung bình 3-5 con/m2, cục bộ nơi cao 20 con/m2, diện tích nhiễm 25 ha; chuột gây hại tỉ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 5-7%, diện tích nhiễm 55 ha, dịch bệnh phân bổ chú yếu ở các huyện như huyện Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên,… Trên các cây trồng khác cũng xuất hiện các dịch bệnh như ở cây ngô nạn sâu keo mùa thu, sâu cắn lá gây hại trên các trà ngô mật độ 2-4 con/m2, diện tích nhiễm 35 ha; bệnh khô vằn, đốm lá diện tích nhiễm 25 ha. Trên cây rau xuát hiện sâu xanh bướm trắng gây hại mật độ 2-5 con/m2, nơi cao 7-10 con/m2, diện tích nhiễm 58 ha; bọ nhảy diện tích nhiễm 13 ha. Bệnh khảm lá sắn phát sinh trên giống KM140, tỉ lệ trung bình 15-20%, cục bộ nơi cao 45-50%, diện tích nhiễm 25 ha. Bệnh chảy gôm, sâu đục thân xuất hiện trên các cây ăn quả có múi. Nhìn chung tình hình dịch bệnh đều cơ bản được kiểm soát không ảnh hưởng lớn đến các cây trồng nông nghiệp.
b. Chăn nuôi
Hiện nay ngành chuyên môn tỉnh Hà Tĩnh đang tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ động vật với mục tiêu đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi và an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau tết. Đẩy mạnh tuyên truyền các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hiện tốt quy trình giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Kết quả chăn nuôi: Đàn trâu hiện có 65.820 con, bằng 98,22%; đàn bò hiện có 161.950 con, bằng 96,68% so với cùng kỳ năm trước. Đàn trâu, bò có xu hướng giảm vì hiện nay chi phí chăn nuôi tăng trong khi giá bán thấp nên người dân không tăng tổng đàn.
Đàn lợn hiện có 405.480 con, bằng 101,08%; đàn gia cầm 10.476 nghìn con, bằng 102,84% so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn và đàn gia cầm có dấu hiệu tăng nhẹ khi đây là tháng trùng vào dịp tết người dân tích cực chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, tăng đàn, vỗ béo cho các vật nuôi để kịp thời cung ứng thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Từ đầu năm 2025 đến nay dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 06 xã thuộc 03 huyện (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Sơn) làm 77 con lợn mắc bệnh, trong đó làm 76 con chết, tiêu hủy với khối lượng 8.102kg, hiện nay dịch tại 06 xã này chưa qua 21 ngày. Ngoài ra dịch Viêm da nổi cục phát sinh tại 02 xã thuộc 02 huyện Nghi Xuân và Đức Thọ làm 04 con bò mắc bệnh, trong đó làm 01 con bê chết, tiêu hủy với khối lượng 115 kg, hiện nay dịch tại 02 xã trên chưa qua 21 ngày.
1.2. Sản xuất lâm nghiệp
Công tác trồng rừng, khai thác và bảo vệ rừng luôn được quan tâm nhằm phát triển rừng trồng gắn với khai thác hiệu quả rừng nguyên liệu để ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra quy trình trồng rừng, khai thác rừng trồng và rừng được giao khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh nhằm đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích các chủ rừng và người dân đẩy mạnh phát triển trồng rừng nguyên liệu theo hướng tăng diện tích thâm canh.
Kết quả sản xuất lâm nghiệp: Tháng 01/2025 mặc dù trùng vào Tết Nguyên đán nhưng người dân tranh thủ khai thác những vườn cây đến chu kỳ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác trồng rừng năm 2025 như chuẩn bị cây giống, cuốc hố, vệ sinh vườn bãi; các cơ sở thực hiện đưa giống mới, có năng suất cao vào trồng rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất, chất lượng rừng.
Diện tích rừng trồng mới ước đạt 484 ha, bằng 103,64% và trồng được 265 nghìn cây phân tán, bằng 101,92% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 21.605 m3, bằng 105,26%, tăng 1.079 m3 so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất lâm nghiệp chủ yếu tập trung ở các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh,... Hiện nay, người dân đang tập trung ươm, chăm sóc cây giống để trồng vụ Xuân năm 2025.
Thiệt hại về rừng: Công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 20/01/2025, trên địa bàn tỉnh không xẩy ra cháy rừng nhưng đã xẩy ra 01 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là gần 0,3 ha, giảm 3 vụ nhưng tăng 0,06 ha so với cùng kỳ năm 2024.
1.3. Hoạt động thủy sản
Hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 01/2025 nhìn chung ổn định không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước. Là tháng trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên người dân tranh thủ thời tiết những ngày thuận lợi ra khơi, bám biển để phục vụ nhu cầu vào dịp Tết, các sản thủy sản nuôi trồng cũng đang chuẩn bị xuất bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Kết quả sản xuất thuỷ sản: Sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 3.737 tấn, bằng 104,36%, tăng 156 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá khai thác ước đạt 2.108 tấn, bằng 104,72%, sản lượng tôm khai thác ước đạt 189 tấn, bằng 103,28%, sản lượng thủy sản khác ước đạt 1.440 tấn, bằng 103,97%. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 932 tấn, bằng 101,97%, tăng 18 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá ước đạt 610 tấn, bằng 101,33%, sản lượng tôm ước đạt 116 tấn, bằng 102,65%, sản lượng thủy sản khác ước đạt 206 tấn, bằng 103,52%. Tính từ đầu năm đến nay không xẩy ra dịch bệnh đối với các loại thủy sản nuôi trồng trên địa bàn.
2. Sản xuất công nghiệp
Bước sang năm mới 2025, ngành công nghiệp vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Sản phẩm mới pack pin còn phụ thuộc vào thị trường; nhà máy thép Formosa gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu thép ra thị trường trong và ngoài nước. Sản xuất công nghiệp chưa đạt kỳ vọng chủ yếu do sản xuất thép. Ở chiều ngược lại có nhiều tín hiệu tích cực như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II dự kiến vận hành sản xuất Tổ máy số 1 vào quý III, Tổ máy số 2 vào quý IV; nhà máy lithium dự kiến đi vào sản xuất kinh doanh trong quý I năm 2025.
2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)
Ước tính tháng 01/2025, chỉ số sản xuất toàn ngành giảm 4,74% so với tháng trước và giảm 9,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng ước giảm 30,47% so với tháng trước và tăng 61,28% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước giảm 1,6% so với tháng trước và giảm 10,42% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện dự tính giảm 15,62% so với tháng trước và giảm 12,67% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xả lý rác thải dự ước tăng 1.96% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 5,36%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2025 tăng so với cùng kỳ tác động đến ngành công nghiệp tỉnh như: Ngành dệt (tăng 33,33%) và ngành sản xuất trang phục (tăng 57,49%), in ấn (tăng 64,96%),... Các doanh nghiệp dệt may tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh thị trường nội địa. Tình hình xuất khẩu dệt may khả quan hơn vào các tháng cuối năm. Công ty sợi Nghệ Tĩnh đi vào hoạt động cũng là nguyên nhân dẫn dến chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt tăng mạnh.
Bên cạnh những ngành công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ thì tháng 01/2025, một số ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất kim loại, sản xuất điện gặp khó khăn, chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I dự kiến ngừng phát điện để xử lý khắc phục sự cố bất thường từ ngày 25/01 đến ngày 03/02/2025 đối với lò số 2 và từ ngày 27/01 đến ngày 05/02/2025 đối với lò số 1. Sản lượng điện sản xuất nhà máy này dự kiến tháng 01/2025 đạt 481,68 triệu Kwh, giảm 24,2% so với tháng trước và giảm 27,59% so với cùng kỳ. Vì vậy, ước tháng 01/2025, chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện giảm 15,62% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 12,67%. Dự ước tháng 01/2025, chỉ số sản xuất ngành sản xuất kim loại giảm 1,83% so tháng trước và giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số sản xuất chung toàn ngành công nghiệp. Nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác lớn của Việt Nam (Mỹ, EU, Trung Quốc) gặp khó khăn từ năm 2024, nhu cầu thép trên thế giới giảm sút, ảnh hưởng đến xuất khẩu thép của Formosa. Nền kinh tế chậm lại kéo theo sự giảm sút trong nhu cầu về thép cho các ngành công nghiệp và xây dựng. Mặt khác, các nhà sản xuất thép khác, đặc biệt là từ Trung Quốc, duy trì giá thép thấp hơn, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, điều này khiến Formosa Hà Tĩnh khó duy trì thị phần cạnh tranh.
2.2. Một số sản phẩm chủ yếu
Tháng 01/2025, trong 22 nhóm ngành công nghiệp cấp 2 có 13 nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm ngành có mức tăng cao, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp như: Khai khoáng khác tăng 66,06%; sản xuất trang phục tăng 65,83%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 64,96%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 36,01%; dệt tăng 33,33%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 25%; sản xuất đồ uống tăng 11,88%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 6,38%,... Một số nhóm ngành giảm làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng toàn ngành như sản xuất kim loại giảm 13,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 12,67%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 9,74%; sản xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 8,46%,...
2.3 Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 01/2025 tăng 0,08% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước giảm 0,79%. Khi các dự án, nhà máy mới đi vào hoạt động sản xuất đã góp phần tăng số lượng lao động trên địa bàn so với năm trước. Tháng 01/2025, chỉ số sử dụng lao động của ngành khai khoáng giảm 2,58%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,89%; chỉ số sử dụng lao động ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,69%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,22% so với cùng kỳ năm trước.
3. Vốn đầu tư
Kế hoạch vốn đầu tư ngân sách thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2025 là 5.051,84 tỷ đồng, giảm 26,34% so với năm 2024. Trong đó: Vốn ngân sách trung ương là 1.949,51 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương là 3.172,33 tỷ đồng.
Kế hoạch vốn đầu tư ngân sách cấp tỉnh được giao 3.417,74 tỷ đồng, giảm 32,74% so với năm trước, trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh giảm 53,29%, vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu giảm 16,65%, vốn vay nước ngoài ODA tăng 61,21%. Kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện được giao 1.140,90 tỷ đồng, giảm 18,82%, kế hoạch vốn ngân sách cấp xã được giao là 493,20 tỷ đồng, tăng 27,07%, nguồn vốn cân đối ngân sách cấp huyện, xã chủ yếu là vốn thu từ quỹ sử dụng đất.
Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2025 ước đạt 241,80 tỷ đồng, bằng 25,33% so với tháng trước và bằng 105,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 153,62 tỷ đồng, bằng 19,83% so với tháng trước và bằng 95,31% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 69,98 tỷ đồng, bằng 47,77% so với tháng trước và bằng 121,31% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 18,20 tỷ đồng, bằng 54,18% so với tháng trước và bằng 163,03% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 01/2025 là tháng đầu năm, trùng một số ngày cuối tháng vào dịp Tết Nguyên đán, nguồn vốn chưa được giao theo các công trình cụ thể, các đơn vị đang tập trung hoàn thành các hồ sơ thủ tục về vốn và kỷ thuật để triển khai thực hiện tiếp các công trình chuyển tiếp trong năm 2024, những công trình mới thuộc kế hoạch năm 2025 chủ yếu mới thi công phần mặt bằng nên giá trị vốn đầu tư dự tính thực hiện đạt thấp hơn so với tháng trước (giảm 74,67%). Bên cạnh đó, các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh có tổng vốn đầu tư lớn chưa khởi công xây dựng. Kế hoạch vốn năm 2025 giảm mạnh so với năm trước, một số huyện còn chậm quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư năm nên ước thực hiện đạt thấp so với các tháng trong năm.
4. Thương mại, dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 01/2025 là tháng trùng dịp tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm và giá cả các nhóm hàng hóa đều có xu hướng tăng dần. Nhìn chung thị trường tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ tết trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 01/2025 ước đạt 6.840,85 tỷ đồng, tăng 15,73% so với tháng trước và tăng 11,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị ước đạt 249.766,6 triệu đồng, tăng 74,99% so với tháng trước. Bên cạnh việc nhu cầu tăng cao vào dịp tết nguyên đán thì các chương trình giảm giá khuyến mãi hấp dẫn do các hệ thống siêu thị triển khai cũng đóng vai trò quan trọng, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn và thoải mái hơn trong quá trình mua sắm.
Nhìn chung, các nhóm hàng đều có doanh thu tăng mạnh cả so với tháng trước và so với cùng kỳ, nhất là các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình…vv. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, khi là tháng trước và trong tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng và giá hàng hóa tăng cao. Lượng người xa quê về ăn tết khá lớn và sự khác biệt khí hậu thúc đẩy doanh thu nhóm hàng may mặc tăng khá. Tuy nhiên, bên cạnh các nhóm hàng tăng thì doanh thu nhóm hàng ô tô con dưới 9 chỗ vẫn đang giảm khá sâu do những khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, doanh thu bán lẻ xăng dầu các loại trong tháng có tăng so với tháng trước do nhu cầu đi lại tăng nhưng so với cùng kỳ đang giảm nhẹ do mức giá đang ở mức thấp sau các kỳ điều chỉnh gần đây.
Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Những tháng đầu năm là thời điểm các lễ hội văn hóa bước vào mùa sôi động, nhu cầu tham quan du lịch có xu hướng tăng lên. Hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch và ăn uống tháng 01/2025 dự tính đạt 757,35 tỷ đồng, tăng 3,83% so với tháng trước và tăng 13,05% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động lưu trú ước đạt 17,11 tỷ đồng, tăng 10,90% so với tháng trước nhưng giảm 11,0% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 736,89 tỷ đồng, tăng 3,69% so với tháng trước và tăng 13,82% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 3,35 tỷ đồng, giảm 0,83% so với tháng trước và tăng 0,81% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ ăn uống tăng mạnh do trong tháng trùng vào mùa cưới hỏi và có nhiều ngày nghỉ lễ, tết Dương lịch, tổng kết cuối năm nên nhu cầu ăn uống, đặt tiệc vẫn được duy trì ổn định, dịch vụ lưu trú mặc dù tăng khá so với tháng trước nhưng vẫn chưa đạt mức kỳ vọng như năm trước. Doanh thu du lịch vẫn còn thấp và trong tháng chưa có nhiều biến chuyển.
Dịch vụ khác: Doanh thu tháng 01/2025 ước đạt 406,36 tỷ đồng, tăng 2,43% so với tháng trước nhưng giảm nhẹ 0,50% so với cùng kỳ. Nhìn chung tình hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng có những thay đổi tùy theo từng nhóm ngành hàng do tính chất thời vụ dịp tết Nguyên đán, ngành dịch vụ hành chính hỗ trợ, giáo dục, đào tạo giảm trong khi tăng mạnh ở nhóm ngành dịch vụ khác như vui chơi giải trí, dịch vụ cho thuê đồ dùng cá nhân, các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp,... Bên cạnh đó, ảnh hưởng thời tiết và giá cả thị trường cũng tác động nhiều đến các loại hình kinh doanh dịch vụ.
4.2. Hoạt động vận tải
Tháng 01/2025 là cao điểm về nhu cầu vận tải hành khách trong năm, lượng hành khách thời điểm trước tết Nguyên đán thường tăng cao nhưng trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng thiếu phương tiện đưa đón người dân đi lại, tuy nhiên vận tải hàng hóa trong tháng lại có biên độ giảm đáng kể.
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 01/2025 ước đạt 713,79 tỷ đồng, tăng 1,85% so với tháng trước và tăng 9,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hành khách ước đạt 139,64 tỷ đồng, tăng 16,12% so với tháng trước và tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa ước đạt 439,03 tỷ đồng, giảm 2,56% so với tháng trước và tăng 13,34% so với cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 129,0 tỷ đồng, tăng 3,89% so với tháng trước và tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố thời vụ.
Về vận tải hành khách giai đoạn đầu tháng trùng với kỳ nghỉ tết Dương lịch nên nhu cầu đi lại tăng cao, chủ yếu phục vụ người dân về quê thăm thân hoặc đi du lịch, đến cuối tháng là thời điểm sát tết Nguyên đán, lượng khách đi lại liên tỉnh và nội tỉnh tăng mạnh, đặc biệt trên các tuyến xe đường dài. Giá vé vận tải hành khách các tuyến liên tỉnh cũng được điều chỉnh tăng.
Trong khi ở vận tải hàng hóa càng về cuối tháng, nhu cầu vận chuyển một số nhóm hàng hóa như vật liệu xây dựng cũng như hoạt động của các cơ sở kinh doanh bán buôn hàng hóa giảm. Mặc dù nhu cầu vận chuyển hàng tiêu dùng và thực phẩm tăng cao, nhưng không thể bù đắp cho sự sụt giảm trong các nhóm hàng khác, khiến doanh thu chung giảm. Doanh thu kho bãi, hỗ trợ vận tải tăng do lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong tháng tăng, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị cho nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng dịp tết.
4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa
Tình hình xuất nhập khẩu trong tháng mặc dù tăng so với tháng trước do như cầu hàng ngoại cho dịp tết, tuy nhiên so với mức cùng kỳ còn giảm khá sâu. Tổng trị giá xuất, nhập khẩu tính chung tháng 01/2025 ước đạt 376,1 triệu USD tăng 6,58% so với tháng trước nhưng giảm 18,38% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu: Trị giá xuất khẩu trong tháng ước đạt 135,6 triệu USD, tăng 11,28% so với tháng trước nhưng giảm 34,11% so với cùng cùng kỳ. Các nhóm hàng hoá xuất khẩu chủ yếu trong kỳ và tăng mạnh so với tháng trước có thể kể đến như chè, dăm gỗ, dệt và may mặc, thép...vv. Tuy nhiên vẫn chưa đạt mức kỳ vọng so với cùng kỳ. Mặt hàng xơ sợi đang dần khôi phục, trong khi mặt hàng thép vẫn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra, chủ yếu sản lượng tiêu thụ từ thị trường trong nước. Tính riêng xuất khẩu từ Formosa ước đạt 120,5 triệu USD (chiếm 88,86% trị giá xuất khẩu chung toàn tỉnh) tăng 13,7% so với tháng trước nhưng giảm 36,26% so với cùng kỳ. Nhìn chung kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đều ở mức cầm chừng do trùng dịp tết Nguyên đán.
Trị giá nhập khẩu: Trị giá nhập khẩu trong tháng ước đạt 240,5 triệu USD, tăng 4,10% so với tháng trước nhưng giảm 5,69% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa ước đạt 158,6 triệu USD, tăng 18,995 so với tháng trước nhưng giảm 9,81% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu trong sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi thị trường tiêu thụ thép vẫn còn thiếu ổn định. Việc xuất nhập khẩu của tỉnh ưu tiên phát triển theo hướng đa dạng hóa các mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ngoài thép trong bối cảnh tình hình thế giới còn khá nhiều biến động.
5. Chỉ số giá tiêu dùng
Nhìn chung, thị trường hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ trong tháng trùng dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ, giá cả nhiều mặt hàng tăng, nhất là các nhóm lương thực thực phẩm, đồ uống, giao thông. Thị trường hàng hóa trên cả nước được đánh giá là ổn định với nguồn cung dồi dào, không xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng hóa. Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp tết.
Tháng 01/2025, chỉ số CPI chung tăng 1,31% so với tháng trước và tăng 6,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ mức chỉ số giá đều tăng so với tháng trước, chỉ có 1 nhóm hàng có chỉ số giảm và 1 nhóm hàng có mức giá ổn định.
Có đến 9 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước; đồ uống và thuốc lá tăng 1,82% so với tháng trước, tăng 8,19% so với cùng kỳ năm trước; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 20,31% so với cùng kỳ năm trước; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 2,08% so với cùng kỳ năm trước; thuốc và dịch vụ y tế tăng 12,09% so với tháng trước, tăng 12,46% cùng kỳ năm trước; giao thông tăng 0,58% so với tháng trước, nhưng giảm 2,49% so với cùng kỳ năm trước; giáo dục tăng 0,03% so với tháng trước, tăng 1,44% so với cùng kỳ năm trước; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 2,67% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,96% so với tháng trước, tăng 6,54% so với cùng kỳ năm trước.
Có 01 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Hàng may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,7% nhưng so với cùng kỳ chỉ số giá vẫn tăng ở mức 3,06% nguyên nhân do trong tháng nhóm hàng trang phục giữ ấm được các cơ sở bán lẻ điều chỉnh giảm giá nhằm xả hàng tồn kho trước tết. Và có 01 nhóm hàng ổn định về chỉ số so với tháng trước là bưu chính viễn thông.
Sự biến động giá cả thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng 01/2025 chủ yếu do các nguyên nhân chính như: Thứ nhất, yếu tố mùa vụ dịp tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 01/2025, nhu cầu tiêu dùng và giá cả đa số các nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng cao; Thứ hai, do ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về dịch vụ y tế, giá nhiên liệu xăng, dầu các loại. Các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh một số mặt hàng giảm giá xả hàng nhằm kích cầu ngày tết.
Thị trường vàng và ngoại tệ giá cả đang ở mức cao và vẫn tiếp tục tăng theo xu hướng của thị trường thế giới. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 8.570 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la Mỹ bình quân 2.663,76 nghìn đồng/100 USD. Dự kiến CPI tháng 02/2025 sẽ giảm hơn, do là tháng thời điểm sau tháng tết, nhu cầu tiêu dùng cũng như giá cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều giảm. Ngoại trừ nhóm vật liệu xây dựng, giá điện và nước sinh hoạt dự kiến tăng khi thời tiết bắt đầu chuyển nắng ấm.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Tình hình đời sống dân cư trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua vẫn ổn định. Những ngày này, các loại hoa, cây cảnh như đào thế, quất, bưởi cảnh đã bắt đầu được tiểu thương vận chuyển về các tuyến đường trên địa bàn để sẵn sàng phục vụ người dân trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và sắp xếp tổ chức bộ máy hàng trăm cán bộ, công chức ở các địa phương, sở, ngành trên địa bàn đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, tạo thuận lợi trong sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được quan tâm, thực hiện đầy đủ và triển khai kịp thời. Tính đến ngày 22/01/2025, tỉnh Hà Tĩnh đã trao tặng 175.859 suất quà tới người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng BTXH, trẻ em, người lao động, với tổng kinh phí hơn 68 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện Hương Khê đã hỗ trợ 125 triệu đồng mua 7,15 tấn gạo cho các hộ dân tộc Chứt thuộc bản Rào Tre xã Hương Liên và bản Giàng II, xã Hương Vĩnh trong dịp tết Nguyên Đán và thời gian giáp hạt đầu năm 2025.
2. Hoạt động y tế
Trong tháng 01/2025 đã xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, làm 4 người bị ngộ độc (tăng 01 vụ, tăng 4 người bị ngộc độc so với tháng trước), có 50 ca ngộ độc đơn lẻ (giảm 24 ca so với tháng trước và giảm 01 ca so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra trong tháng trên địa bàn cũng xuất hiện các ca bệnh đơn lẻ như cúm, thuỷ đậu, sốt xuất huyết, viêm gan, tiêu chảy. Nhưng tất cả các ca bệnh trên đều không tạo thành dịch và không có người chết do các bệnh trên.
Công tác phòng chống HIV/AIDS luôn được các cấp ngành tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, vì vậy số ca mắc HIV/AIDS đang giảm rõ rệt, trong tháng không phát sinh ca nào tăng mới.
Trước tình hình dịp tết Nguyên đán đang cận kề, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 06/01/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 01 ngày 03/01/2025 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cấp, ngành, địa phương đang tập trung cao đảm bảo người dân ăn tết an toàn.
3. Hoạt động văn hoá, thể thao
Trong tháng, các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra khá sôi nổi. Tối ngày 18/01 tại bản Rào Tre, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Hương Khê, Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Tĩnh, Trường Đại học Hà Tĩnh tổ chức chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, tặng quà cho bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (Hương Liên) và Bản Giàng 2 (Hương Vĩnh).
Bên cạnh đó, tập trung chuẩn bị tuyên truyền mừng Đảng mừng Xuân, tết Nguyên đán Ất Tỵ với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và linh hoạt như: làm mới và treo pa nô, băng rôn, ma két, lắp mới hệ thống đèn led trang trí tại khu vực công viên và các trục đường chính,... Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều giải đấu thể thao, các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham dự, tạo nên không khí mùa xuân, vui tươi, đoàn kết trong những ngày đầu năm mới.
4. Tình hình an toàn giao thông
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân vui đón tết và triển khai thực hiện Nghị định 168 của Chính phủ, tại nhiều tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động lắp đặt biển tuyên truyền về mức xử phạt với lỗi vi phạm vượt đèn đỏ và lỗi đi ngược chiều tại các vị trí dễ quán sát để nâng cao ý thức chấp hành cho người dân.
Tính từ ngày 15/12/2024 đến ngày 14/01/2025 trên địa bàn đã xảy ra 37 vụ tai nạn đường bộ, làm 27 người chết, 14 người bị thương, so với tháng trước tăng 6 vụ, tăng 10 người chết nhưng giảm 7 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 4 vụ, tăng 10 người chết nhưng giảm 26 người bị thương. Không xảy ra vụ tai nạn đường sắt nào (không thay đổi so với tháng trước và so với cùng kỳ). Giá trị thiệt hại ước tính khoảng 173 triệu đồng.
Việc kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền như trực quan tại nhiều tuyến đường trọng điểm cùng với đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền trên không gian mạng qua mô hình “Zalo kết nối bình yên” trực tiếp đánh mạnh vào ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải và người dân, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, giữ bình yên trên những cung đường mỗi dịp tết đến xuân về.
5. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Tình hình cháy, nổ:
Từ ngày 15/12/2024 đến ngày 14/01/2025 đã xảy 3 vụ cháy, không làm thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại tài sản 45,2 triệu đồng (giảm 1 vụ so với tháng trước nhưng tăng 2 vụ so với cùng kỳ). Trong tháng không xảy ra vụ nổ nào, không thay đổi so với tháng trước và so với cùng kỳ.
Vi phạm môi trường:
Với việc là tháng có dịp tết Nguyên đán nên các sở, ban, ngành tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các công ty, doanh nghiệp và các cơ sở cá thể hoạt động kinh doanh về công tác đảm bảo các quy định trong lĩnh vực môi trường. Với phương châm kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm môi trường, tránh tình trạng không đảm bảo giấy phép môi trường, đổ trộm chất thải rắn, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù số vụ phi phạm và số vụ xử lý tăng nhưng số tiền xử phạt giảm là do các vụ vi phạm nhỏ, mức xử phạt nhẹ mang tính răn đe là chính.
Trong tháng, đã phát hiện 84 vụ vi phạm môi trường và đã xử lý 49 vụ, với tổng số tiền xử phạt 261,4 triệu đồng so với tháng trước tăng 78 vụ phát hiện, tăng 43 vụ đã xử lý nhưng giảm 215,25 triệu đồng (giảm 45,2%) số tiền xử phạt. So với cùng kỳ năm trước tăng 20 vụ phát hiện, tăng 28 vụ đã xử lý và tăng 225,8 triệu đồng (tăng 634,3%) số tiền xử phạt.
6. Tình hình thiên tai
Trong tháng, không xảy ra thiên tai. So với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước không thay đổi.
Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.
Tin khác