Tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 0,08%
Theo kết quả công bố tại Văn bản số 753/TCTK-TKQG ngày 30/5/2022 của Tổng cục Thống kê thì tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Hà Tĩnh ước tính 6 tháng đầu năm 2022 đạt 0,08% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,22%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 8,34%, làm giảm 3,47 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung (công nghiệp giảm 11,46%, làm giảm 3,94 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung); khu vực dịch vụ tăng 6,97%, đóng góp 2,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 12,04%, đóng góp 1,11 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung. Đây là năm có tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng đạt thấp do giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, trong khi thời tiết, thiên tai, sâu bệnh diễn biến thất thường, nhất là các đợt rét, mưa lớn xảy ra thời điểm cuối vụ Xuân làm giảm năng suất, sản lượng lúa và một số cây trồng vụ Xuân; giá nhiên liệu xăng, dầu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến khai thác hải sản. Trong những năm qua, ngành sản xuất công nghiệp luôn là động lực tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố phải ngừng hoạt động Tổ máy số 1 từ tháng 9/2021 và Tổ máy số 2 ngừng hoạt động 12 ngày trong tháng 2/2022 để bảo dưỡng dẫn đến sản lượng điện 6 tháng đầu năm của nhà máy giảm 47% so với cùng kỳ, đã làm giảm 4,26 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung. Cùng với đó, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là Formosa trong nửa đầu năm sản xuất được 2,67 triệu tấn thép, là kết quả đáng ghi nhận nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2021 (thời điểm nhu cầu thép thế giới phục hồi, giá thép tăng cao từ 30-40%, Formosa đẩy mạnh sản xuất và đạt gần hết công suất) thì chỉ tăng 0,24% do đó chỉ đóng góp 0,47 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung. Trong khi các động lực tăng trưởng chính (Formosa, Nhiệt điện Vũng Áng 1) sản xuất sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp thì sản xuất công nghiệp vẫn chưa có các năng lực mới tăng thêm để đóng góp vào tăng trưởng. Khu vực dịch vụ cũng chỉ bắt đầu phục hồi từ quý II. Nguyên nhân do quý I số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh kể từ sau Tết Nguyên đán, cộng thêm giá cả tăng cao đặc biệt là giá xăng, dầu đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, kinh doanh vận tải, du lịch đều giảm mạnh. Sang quý II, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch, dịch vụ từng bước phục hồi kéo đã làm cho khu vực này có mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2022.
Để thực hiện đạt được kế hoạch tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 (tăng từ 8,5%-9%) còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần phải xem xét lại mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế năm 2022 cho sát đúng hơn với tình hình thực tiễn và những tháng cuối năm các cấp, các ngành cần phải tiếp tục chỉ đạo và tích cực chủ động triển khai thực hiện kịp thời, linh hoạt, quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi sản xuất vụ Hè Thu năm 2022 và khôi phục sản xuất chăn nuôi trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn xẩy ra; (2) Tích cực thu hút đầu tư, tập trung giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đối với các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh; (3) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; (4) Đồng hành với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn do sự cố máy móc thiết bị ở Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, ảnh hưởng dịch bệnh và giá cả một số mặt hàng tăng cao; (5) Ổn định phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là trong mùa du lịch biển…Cùng với sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cần phải có sự đồng thuận và tích cực sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Có như vậy chúng ta mới có thể thực hiện đạt được mức cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022./.
Hoài Nam- Cục Thống kê Hà Tĩnh
Tin khác