0239 3856 760 | hatinh@gso.gov.vn

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2016 tỉnh Hà Tĩnh

05/07/2016 15:28

Sáu tháng đầu năm 2016 với nhiều dấu hiệu tích cực, nền kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, thu chi ngân sách Nhà nước được điều hành theo hướng tiết kiệm tránh lãng phí; giá cả hàng hoá được kiểm soát chặt chẽ, bình ổn thị trường. Chỉ số giá tiêu dùng các tháng không có biến động đột biến. Điều này cho thấy xu hướng chung thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ổn định, tạo điều kiện để thực hiện cải cách về giá sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường.

           * Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 06 năm 2016 tăng 0,36% so tháng trước, tăng 2,78% so cùng tháng năm trước; tăng 1,66% so tháng 12 năm trước .

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,04% so tháng trước, so cùng kỳ năm trước tăng 1,93% và tăng 1,87% so tháng 12 năm trước; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,25% so tháng trước, so cùng kỳ năm trước tăng 3,94% và tăng 2,95% so tháng 12 năm trước; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,16% so tháng trước, so cùng kỳ năm trước giảm 3,47%, và tăng 0,89% so tháng 12 năm trước; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,85% và tăng 1,34% so tháng 12 năm trước; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 21,54% và tăng 21,58% so tháng 12 năm trước; Giao thông tăng 2,95% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 9,13% và giảm 2,85% so tháng 12 năm trước; Văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,10% so tháng trước, so cùng kỳ năm trước tăng 9,89% và tăng 0,01% so tháng 12 năm trước; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,42% so tháng trước, so cùng kỳ năm trước tăng 2,54% và tăng 1,74% so tháng 12 năm trước.

        Một nhóm có chỉ số giảm: May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,19% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 2,28% và giảm 1,17% so tháng 12 năm trước.

        Hai nhóm chỉ số giá không biến động so tháng trước: Bưu chính viễn thông và Giáo dục.

        * CPI tháng 6 năm 2016 tăng chủ yếu do:

(1) Do ảnh hưởng giá xăng, dầu diezel tăng 2 lần liên tiếp vào các ngày 20/5 và ngày 04/6/2016. Đây là lần thứ 4 giá xăng dầu tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay, làm chỉ số nhóm giao thông trong tháng tăng mạnh (tăng 2,95%) tác động đến chỉ số giá chung tăng.

 (2) Do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng dẫn đến giá điện nước sinh hoạt trong tháng tăng, nhất là ở các khu vực thành thị (giá điện sinh hoạt tăng 0,91%; giá nước sinh hoạt tăng 0,88%).

 (3) Do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng các loại nước giải khát tăng, nhất là mặt hàng bia hơi tăng 3,72%, các dịch vụ ăn uống ngoài gia định tăng....

 (4) Ngoài ra, trong tháng giá các loại thực phẩm, các dịch vụ hiếu hỉ, giá vật liệu xây dựng… đang có xu hướng tăng hơn so với tháng trước, tác động đển chỉ số giá chung tăng.

* Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2016 tăng 2,56% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 9 nhóm có chỉ số giá tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,10%; Đồ uống và thuốc lá tăng 3,59%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,21%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,66%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,30%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,22%; Bưu chính và viễn thông tăng 0,06%; Giáo dục tăng 16,34%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 13,42%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,81%.

Có 01 nhóm hàng hóa chỉ số giá giảm so cùng kỳ năm 2015: Nhóm Giao thông giảm 8,95%.

Các yếu tố tác động đến chỉ số giá 6 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do:

Giá các dịch vụ y tế tăng mạnh (tăng 14,22%) sau khi thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính. Tất cả các nhóm dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng.

        Do ảnh hưởng giá xăng tăng 4 lần liên tiếp từ đầu năm đến nay (tăng vào các ngày 21/3; 5/4; 20/5 và ngày 4/6/2016) tác động đến chỉ số giá chung tăng.

Ảnh hưởng lương cơ bản được điều chỉnh tăng tháng 5/2016 (từ 1.150.000đ lên 1.210.000đồng) nên mặt hàng giá bảo hiểm y tế tăng 5,22%.

Ảnh hưởng tăng mức học phí các cấp từ mầm non đến các trường Đại học của nhóm dịch vụ giáo dục từ tháng 9/2015 tác động đến chỉ số chung 6 tháng đầu năm 2016 tăng.

Ngoài ra, ảnh hưởng thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước sạch và các mặt hàng tiêu thụ điện năng tăng, dẫn tới giá điện nước sinh hoạt bình quân tăng; Các mặt hàng điện tử điện lạnh… cũng có xu hướng tăng hơn so với những tháng trước trong năm. Những điều này đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.

Có thể nói, những chính sách trong điều hành kinh tế vĩ mô 6 tháng đã đạt được những kết quả tích cực, cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước luôn được bảo đảm, hàng hóa phong phú đa dạng; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ đề ra.

          * Dự kiến chỉ số giá tháng 7/2016 xu hướng tăng nhẹ so tháng 6/2016, ảnh hưởng giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua làm cho các chi phí đầu vào tăng kéo theo giá bán một số mặt hàng tăng. Bên cạnh, các dịch vụ du lịch, tham quan, nghỉ mát cũng đang có xu hướng tăng khi vào dịp hè. Những điều đó phần nào đã tác động đến chỉ số giá chung trong tháng tăng.