0239 3856 760 | hatinh@gso.gov.vn

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2017

29/07/2017 10:15

Chỉ số chung giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2017 tăng 0,1% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,14% và khu vực nông thôn tăng 0,07%) và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân chính tác động làm tăng CPI tháng 7 năm 2017 là:

(1) Giá thịt lợn hơi bắt đầu tăng giá trở lại, mặc dù chưa ổn định nhưng vẫn cao hơn tháng trước. Tác động đến giá thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn tăng giá.

(2) Do trong tháng 7 có sự điều chỉnh lương tối thiểu dẫn đến phí bảo hiểm y tế tăng tương ứng.

(3) Thời tiết nắng nóng khiến chi phí điện và nước sinh hoạt tăng mạnh.

(4) Giá các loại rau củ quả tươi có xu hướng tăng giá do nhu cầu tiêu dùng trong dân cư tăng, mang tính chất mùa vụ.

  - Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ có 03 nhóm hàng hóa có chỉ số giá ổn định so với tháng trước đó là: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch.

  - Có 03/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước đó là:

  + Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,34% so với tháng trước. Mặc dù trong nhóm này giá bia chai và bia lon các loại có tăng giá (tăng 1,22%). Nhưng do giá rượu các loại giảm (giảm 4,52%) dẫn đến tổng chung giảm.

  + Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01% so với tháng trước. Giá các mặt hàng đồ dùng gia đình cơ bản ổn định, không có sự biến động, chủ yếu giảm giá một số mặt hàng vật tư đồ điện nhỏ như ổ cắm, dây điện các loại, làm cho chỉ số giá của nhóm này giảm.

+ Nhóm giao thông giảm 1,36% so với tháng trước. Mặc dù ngày 20/7/2017, giá xăng dầu các loại được điều chỉnh tăng giá. Nhưng tính chung cả tháng thì nhóm mặt hàng này vẫn đang có chỉ số giá bình quân giảm: xăng A95 giá bình quân giảm 781đ/lít, xăng A92 giảm 780đ/lít; Dầu diezel giảm 168đ/lít.

- Còn lại có 05/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước nhưng với mức tăng nhẹ, cụ thể:

  + Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,47% so với tháng trước, tăng chủ yếu ở các mặt hàng thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình. Trong đó:

Các mặt hàng lương thực giảm 1,29%, do giá các mặt hàng lương thực có xu hướng giảm, như: gạo tẻ các loại tiếp tục giảm từ 500-1.000 đồng/kg. Giá gạo tẻ thường dao động trong khoảng 10.000 - 11.000đ/kg; gạo tẻ ngon tám thơm địa phương từ 13.000-14.500đ/kg; gạo tẻ ngon Thái Lan mức giá 26.000-28.000 đ/kg.

Các mặt hàng thực phẩm tăng 1%, do giá thịt lợn hơi tăng trở lại dẫn đến mức giá thịt lợn, nội tạng và các chế phẩm sản xuất từ thịt lợn đều tăng; kéo theo giá các loại thực phẩm khác như thịt bò, thủy hải sản các loại đều tăng; đồng thời, giá một số loại rau như rau muống, cà chua cũng có xu hướng tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg, nên làm cho chỉ số giá nhóm này tăng.

Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,05% so tháng trước. Do ảnh hưởng giá các loại hoa quả tươi tăng 0,43%, đồng thời nguồn quả tươi phục vụ chế biến hàng giải khát sinh tố như cam, thanh long, na, ..., hiện nay chưa đến mùa thu hoạch, nguồn hàng bán ra trên địa bàn chủ yếu từ các địa phương khác, ảnh hưởng giá thành và chi phí vận chuyển, làm tác động tăng      

  + Nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14% so với tháng trước, do các điểm bán lẻ điều chỉnh tăng giá các loại sản phẩm đồ lót.

  + Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,45% so với tháng trước, chủ yếu tăng ở nhóm điện sinh hoạt (tăng 2,55%), nước sinh hoạt (tăng 1,36%) và giá vật liệu xây dựng gồm xi măng, sắt thép, cát sỏi (tăng 0,95%).

+ Nhóm giáo dục tăng 0,05% so với tháng trước, do các cơ sở và trung tâm giáo dục mở các khóa học hè, số lượng học sinh tham gia đông làm cho giá văn phòng phẩm, mặt hàng giấy và vở viết được điều chỉnh tăng, dẫn đến chỉ số giá nhóm này tăng.

+ Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,42% so với tháng trước, chủ yếu ảnh hưởng của giá phí bảo hiểm y tế tăng 7,44% do điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 1.210 nghìn đồng/tháng lên 1.300 nghìn đồng/tháng.

  - Chỉ số giá vàng 9999 giảm 1,21% so với tháng trước và giảm 1,45% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường giá vàng trong tháng qua nhìn chung có xu hướng giảm đều. Mức giá cao nhất rơi vào ngày 01/7/2017 ở mức 3.520 nghìn đồng/chỉ, thấp nhất vào ngày 10/7-11/7/2017 có mức giá 3.420 nghìn đồng/chỉ. Bình quân giá vàng trong tháng là 3.504,9 nghìn đồng/chỉ.

- Chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,28% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước. Giá USD bình quân tại thị trường Hà Tĩnh mức giá bán ra 2.275,4 nghìn đồng/100USD (tăng 6,4 nghìn đồng/100USD) so tháng trước. Giá USD tự do ngày 21/7/2017 ở mức giá 2.280 nghìn đồng/100USD.   

Dự kiến chỉ số giá bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 8/2017 sẽ tăng so với tháng 7/2017. Do giá thịt lợn hơi dự kiến tiếp tục phục hồi và tăng trở lại, đồng thời tháng 8 cũng là thời điểm chuyển mùa, do đó giá các loại mặt hàng có tính chất mùa vụ lớn như rau củ quả, hàng may mặc, hàng điện nước dự kiến có biến động, sẽ làm cho chỉ số giá tháng 8 tăng.